Trước tình trạng số ca mắc bệnh sởi tăng cao và tăng nhanh, TPHCM đã công bố dịch sởi, đồng thời huy động mọi nguồn lực chống dịch sởi. Đặc biệt, thành phố củng cố các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và trường mầm non.
Số ca mắc tăng cao
Ngày 28/8, BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị cho 27 bệnh nhi mắc bệnh sởi, trong đó có 16 ca bệnh đến từ các tỉnh, 11 ca bệnh của thành phố. Thống kê về ca mắc bệnh sởi trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM (HCDC) cho hay, tuần 34 ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại thành phố. Như vậy, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 34 là 525 ca, trong đó có 209 ca dương tính.
Liên quan đến ca bệnh sởi, Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính đến ngày 15/8, khu vực phía Nam ghi nhận gần 1.500 trường hợp phát ban nghi sởi.
Các chuyên gia dự báo, tình hình diễn biến của bệnh sởi ở các địa phương khu vực phía Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đáng lưu ý, trong đợt dịch này, các bệnh viện trên địa bàn thành phố ghi nhận có đến 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.
Theo Sở Y tế TPHCM, do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 tại thành phố chỉ mới đạt 89,2% và chưa có quận huyện nào đạt trên 95%. Đồng thời, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%.
“Có nhiều phụ huynh do không nhớ ngày để đi tiêm vaccine sởi cho con, bận công việc chưa đi tiêm hoặc con mắc bệnh nền nên ngại tiêm. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine sởi ít đi. Theo quy định, tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở trẻ nhỏ phải đạt 95% trở lên mới không xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng” - BS Nguyễn Minh Tiến nhận định.
Tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở mức thấp, trong khi đó, sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B lây qua đường hô hấp. Có thể biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Yêu cầu đặt ra, các cơ sở y tế tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi. Tất cả các ca nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Trường học chủ động chống dịch
Trước tình trạng số ca mắc bệnh sởi liên tục tăng nhanh, tăng cao, UBND TPHCM vừa công bố dịch sởi trên địa bàn nhằm triển khai các biện pháp phòng bệnh, nhất là thời điểm mùa tựu trường đã đến gần. BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, các trường học nên phát động chương trình rửa tay thường xuyên ở trẻ nhỏ và giáo viên cũng nên rửa ta trước và sau khi chăm sóc trẻ, mang khẩu trang; vệ sinh sạch sẽ phòng học, đồ chơi sạch sẽ... Các trường nên rà soát các trường hợp chưa tiêm sởi để báo với y tế phường - xã nhằm tổ chức tiêm sởi cho trẻ tại trường hoặc trạm y tế. Riêng những trường hợp trẻ sốt, ho nên cho nghỉ học để được thăm khám phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc HCDC, trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Theo đó, Sở chỉ đạo củng cố hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, chú trọng công tác phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và các trường mầm non.
Trạm y tế phường, xã, thị trấn giám sát việc thực hiện của các trường học, nhóm trẻ hằng tuần khi chưa có ca bệnh trên địa bàn phường, xã và giám sát hàng ngày khi phường, xã có ca bệnh. Khi phát hiện trẻ sốt và phát ban cần hướng dẫn gia đình đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ. Đối với người bệnh, thực hiện cách ly y tế (tại nhà hoặc tại cơ sở y tế)...
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị các quận, huyện chủ động tổ chức tiêm vaccine sởi theo đợt, theo chiến dịch, tiêm tại trường học, tăng số buổi tiêm vaccine sởi cho trẻ. Trong trường hợp bệnh viện không phải là cơ sở tiêm chủng, cần phối hợp với các bệnh viện có tiêm chủng hoặc trung tâm y tế để tiêm vaccine sởi cho trẻ trong thời gian sớm nhất.
Vaccine sử dụng có thể là trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine phòng chống dịch hoặc dịch vụ, tùy theo lứa tuổi và nhu cầu. Lập danh sách các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao để tiêm ngừa vaccine sởi cho trẻ đang nằm viện hoặc đang điều trị ngoại trú nhưng chưa tiêm vaccine đầy đủ theo khuyến cáo độ tuổi ngay khi đủ điều kiện.