Ngày 24/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trong đó trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Do đó phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.
Ông Bình nói rằng, việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. “Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người”-ông Bình bày tỏ và cho biết việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, hiện xuất hiện hành vi mới là mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý.
Theo bà Dung, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức vi phạm thần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.
Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.
ĐB Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đưa ra kiến nghị, đối với các hành vi đã rõ như; sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, hành vi bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê; đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin thì cần được bổ sung vào khái niệm mua bán người để được đảm bảo bao quát hơn.
Bởi theo bà Hạnh trong thực tế có rất nhiều hành vi biến tướng, núp bóng dưới nhiều hình thức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Việc nhận diện để làm rõ các yếu tố phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời cần rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật cho chặt chẽ và đồng bộ.
Đưa ra dẫn chứng hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đề xuất trong dự án Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó giúp các em có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.