Thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa tiếp giáp với thành phố Tuy Hòa. Thời gian gần đây, khi tỉnh Phú Yên có kế hoạch phát triển thành phố Tuy Hòa về phía Tây, quy hoạch xây dựng Khu đô thị phía Bắc khu du lịch Thuận Thảo và quy hoạch Khu dân cư dọc quốc lộ 25, đường Trần Phú nối dài, một số đối tượng đã đến địa phương để thu mua đất trồng lúa của người dân.
Theo một số hộ dân, các đối tượng đến hỏi mua đất trồng lúa liên tục “thổi” giá cao theo từng ngày, đất lúa được các đối tượng thu mua từ 120-140 triệu đồng một sào. Đất trồng lúa được bán với giá cao, nhiều hộ dân khó khăn về kinh tế vì lợi ích trước mắt đã quyết định bán đi thửa ruộng, sinh kế nhiều đời của cả gia đình.
Bà Huỳnh Thị Lan, thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị vừa bán 1 sào đất trồng lúa với giá 120 triệu đồng. Bà Lan cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 1 sào đất trồng lúa, có người đến nhà hỏi mua và thấy nhiều người trong thôn bán được đất với giá cao nên tôi cũng bán. Gia đình tôi chuyển nhượng đất cho người mua bằng giấy viết tay, tôi không rõ họ mua đất lúa với mục đích để làm gì”.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất lúa rộ lên tại thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Tại địa phương này người dân đã chuyển nhượng 7ha đất với giá từ 115-140 triệu đồng/sào cho một số đối tượng. Qua xác minh, cơ quan chức năng của huyện đã xác định được 1 người thu gom đất nhưng không phải là người dân địa phương, không làm nông nghiệp.
Việc mua bán, chuyển nhượng đất được thực hiện bằng hình thức viết giấy tay, cho tạm ứng tiền đất, chưa thực hiện quy trình pháp lý nào tại chính quyền địa phương. UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện tiếp tục xác minh số hộ dân chuyển nhượng đất lúa, mục đích của các đối tượng thu gom đất lúa tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, quy định của pháp luật người dân được cấp quyền sử dụng đất trồng lúa được phép chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, cho tặng. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, người được chuyển nhượng đất lúa phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Việc chuyển nhượng đất lúa bằng hình thức viết giấy tay, tạm ứng tiền người dân đang giao dịch với “cò đất” tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ nhất, một số đối tượng lợi dụng một bộ phận người dân có trình độ dân trí thấp thực hiện lừa đảo mua bán chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay hoặc hợp đồng nhằm chiếm đoạt quyền sử dụng đất.
Thứ hai, người dân chuyển nhượng đất không theo trình tự pháp luật sẽ bị thiệt thòi, do hiện nay mức đền bù đất trồng lúa của nhà nước cũng ngang bằng với số tiền người dân nhận được từ chuyển nhượng đất cho các đối tượng thu gom đất.
“ Nếu địa phương thực sự có thực hiện các dự án, ảnh hưởng đến đất lúa, địa phương sẽ có phương án đền bù xứng đáng cho người dân theo giá thị trường, cùng với đó là chính sách chuyển đổi, hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân. Ngoài ra, khi một diện tích đất trồng lúa lớn của người dân rơi vào tay những đối tượng đầu cơ đất, thu gom đất để chờ dự án thì sẽ là trở ngại lớn cho địa phương, cũng như nhà đầu tư trong việc thỏa thuận đền bù, kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội địa phương”- ông Tường cho hay.
Trước tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất trồng lúa rộ lên tại thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Nguyễn Bá Khải cho biết, quan điểm của huyện không đồng tình với việc người dân mua bán, chuyển nhượng đất trồng lúa thiếu cơ sở pháp lý. Trước mắt, UBND huyện đã ban hành văn bản số 294/UBND ngày 23/3 yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất lúa trái pháp luật.
UBND huyện yêu cầu xã Hòa Trị và các địa phương thực hiện rà soát đến từng thửa đất trồng lúa, tổ chức quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thực hiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất lúa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.