Ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở Tây Ninh

Quỳnh Anh 12/09/2023 14:00

Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với gia đình và xã hội. Trong thời gian gần đây, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng này.

Theo thống kê năm 2019, toàn tỉnh Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống với 5.127 hộ và 19.648 nhân khẩu, chiếm 1,69% dân số toàn tỉnh; chủ yếu là dân tộc Khmer, Chăm, Hoa, người Tà Mun và các dân tộc khác.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào DTTS có chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, đâu đó trên địa bàn tỉnh vẫn còn giữ gìn một số phong tục, tập quán lạc hậu. Điển hình là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra.

Theo báo cáo của tỉnh Tây Ninh thì: tại Tiểu dự án 2, Dự án 9 về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, việc căn cứ vào số liệu Tổng điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Theo số liệu của Tổng điều tra KTXH 53 DTTS năm 2019, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào DTTS là 26,89%, tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương trên địa bàn tỉnh, thì tỷ lệ này rất thấp. Theo thống kê, từ ngày 01/01/2023 đến 30/6/2023, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chỉ có 03 sản phụ người DTTS dưới 18 tuổi.

Cũng theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội toàn quốc năm 2019, tỷ lệ người tảo hôn tại các địa phương trên toàn tỉnh Tây Ninh gồm: Thành phố Tây Ninh có 143 người, chiếm 18,6%; huyện Tân Biên có 271 người, chiếm 30,38%; huyện Tân Châu có 624 người, chiếm 26,49%; huyện Dương Minh Châu có 18 người, chiếm 26,09%; huyện Châu Thành có 244 người, chiếm 33,91%; Thị xã Trảng Bàng có 74 người, chiếm 24,36%.

Đánh giá về thực trạng tảo hôn tại địa phương, ông Trần Minh Nay, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đại diện cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Tây Ninh cho biết, để giảm thiểu tình trạng này, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, giai đoạn 2025- 2025”, và triển khai Luật hôn nhân và gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các lĩnh vực khác có liên quan đến hôn nhân và gia đình. Nhờ tuyên truyền tích cực của cán bộ, đảng viên và chính quyền địa phương nên tình trạng tảo hôn mặc dù còn diễn ra nhưng không nhiều.

Bà con dân tộc thiểu số Tà Mun tham dự buổi tuyên truyền.
Bà con dân tộc thiểu số Tà Mun tham dự buổi tuyên truyền.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở Tây Ninh vẫn còn tồn tại, ông Trần Minh Nay cho hay, một số chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai hiệu quả ở khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã, cấp ấp vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế do nhiều yếu tố như rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp.

Trong khi đó, đối tượng được tuyên truyền là các thanh thiếu niên nhưng họ lại ít tham gia dẫn đến hiệu quả không cao. Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết.

“Bên cạnh đó, ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu trong hôn nhân vẫn tồn tại cùng với quan niệm mang tính duy tâm nên nhiều gia đình quyết định dựng vợ, gả chồng cho con cái của mình khi chưa đến tuổi kết hôn. Sự thiếu hiểu biết này do trình độ học vấn thấp, kết hợp với phong tục, tập quán và nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng trình trạng tảo hôn. Trong khi, những phản ánh từ phía cộng đồng vẫn còn rất yếu ớt. Hầu hết đều xem đây là trách nhiệm riêng của từng gia đình. Thậm chí cộng đồng không những không phản ánh mà còn đồng tình ủng hộ”, ông Minh Nay chia sẻ.

Để giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng này trên địa bàn tỉnh thì giải pháp căn cơ và lâu dài là làm sao phải phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Bên cạnh đó, phải xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội để nâng cao đời sống người dân. Cùng với đó, phải nâng cao được trình độ dân trí và hiểu biết của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở Tây Ninh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO