Theo kế hoạch, MBBank sẽ chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 18/1 và dự kiến tổ chức họp vào ngày 19/4.
Ngày 2/1/2024, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MBBank (mã chứng khoán: MBB) đã công bố thông tin về kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Cụ thể, MBBank chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự ĐHĐCĐ 2024 vào ngày 18/1/2024. Cũng trong ngày 18/1, nhà băng này sẽ chốt cổ đông có quyền đề cử tham gia Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát MBBank nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Theo kế hoạch, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của MBBank sẽ được tổ chức vào ngày 19/4 tại Hà Nội.
Được biết, ở thời điểm hiện tại, các cổ đông lớn của MBBank bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Viettel nắm giữ 641 triệu cổ phiếu MBB chiếm (14,14% vốn điều lệ), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC nắm giữ 427 triệu cổ phiếu MBB (chiếm 9,42% vốn điều lệ), Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam nắm giữ 371 triệu cổ phiếu MBB (chiếm 8,2% vốn điều lệ) và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nắm giữ 327 triệu cổ phiếu MBB (chiếm 7,2% vốn điều lệ).
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2023, MBBank ghi nhận tăng trưởng từ hầu hết các lĩnh vực, trừ mảng kinh doanh ngoại hối (giảm 44% so với cùng kỳ) và hoạt động kinh doanh khác (giảm 2,5% so với cùng kỳ).
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, MBBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 29.520 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đạt 13,7% so với hồi đầu năm, trong khi mức tăng trưởng chung của cả ngành chỉ là 6,92%. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng ghi nhận huy động tăng trưởng đạt 8%.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đầu trong nhóm ngân hàng cổ phần về lợi nhuận.
Tuy nhiên, MBBank lại ghi nhận nợ xấu tăng mạnh với hơn 10.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 35% so với quý II/2023 và gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022. Việc nợ xấu tăng vọt đã đẩy tỷ lệ nợ xấu của MBBank tăng lên mức 1,89%, trong khi hồi đầu năm 2023 ở mức 1,09%.
Ngược lại với tình hình nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro của nhà băng này tăng không đáng kể. Đến cuối tháng 9/2023, tổng giá trị dự phòng rủi ro tín dụng đạt 12.300 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với cuối năm 2022.