Hiện một số ngân hàng thương mại lớn đang rục rịch lên kế hoạch giảm thêm lãi suất huy động. Dự báo từ tuần sau, lãi suất huy động tối đa sẽ giảm về 8,5%/năm với tổ chức và 8,7%/năm với cá nhân, thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay. Động thái này sẽ giúp kéo giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động sẽ về mức 8,7%
Phần lớn cộng đồng doanh nghiệp (DN) đều đề nghị tới cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho khách hàng.
Chẳng hạn ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho rằng, nếu lãi suất cho vay trung, dài hạn trên 10% thì DN “không có cửa” để đầu tư. “Cần phải kéo lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư” – ông Hòa đề xuất.
Tại hội nghị Tín dụng bất động sản vừa diễn ra, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho rằng, bất động sản (BĐS) đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200% so với hoạt động kinh doanh thông thường. BĐS với các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý, không quá nhiều rủi ro so với các ngành kinh doanh khác. Do đó, lãi suất cho vay cao hơn các ngành nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khách hàng.
Nhiều DN BĐS cũng bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay sẽ hạ, nhằm hỗ trợ DN. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước không nâng lãi suất huy động kịch khung để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với DN. Việc hạ lãi suất huy động sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Đặc biệt, đại diện Vietcombank thông tin, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất thực hiện chỉ đạo của NHNN, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN và thị trường.
NHNN cũng khẳng định, luôn yêu cầu ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ DN.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2022, 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất huy động để từ đó giảm lãi suất cho vay, mức giảm từ 0,5-3%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng chỉ áp dụng cho một số đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên, trong khi đó, nhiều DN, hộ kinh doanh, người dân vẫn đang phải vay với lãi suất cao.
Phân loại rõ đối tượng khi cho vay
Riêng về tín dụng và lãi suất cho lĩnh vực BĐS, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết, ngân hàng phân loại rất rõ đối tượng khi cho vay lĩnh vực này. Hiện dư nợ cho vay BĐS tại Vietcombank có tới 90% dành cho cá nhân, chỉ có 10% dành cho DN.
Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, giá nhà ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn nhiều so với thu nhập thực tế của người dân, dẫn tới khó khăn trong nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân, đây là lý do khiến các ngân hàng phải thận trọng.
Còn ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV cũng khẳng định, năm 2022, tín dụng bất động sản của BIDV tăng tới 20%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quan chung của ngân hàng, tập trung vào phân khúc cá nhân.
Lãnh đạo BIDV cũng cho biết sẽ làm việc với từng DN BĐS cụ thể để nắm bắt nhu cầu.
Còn theo đại diện Techcombank, dư nợ tín dụng bất động sản tại Techcombank cũng tập trung vào khách hàng cá nhân lĩnh vực BĐS. Với DN và chủ đầu tư, năm 2022, chủ trương của Techcombank là giữ ổn định, tập trung hỗ trợ cho những dự án có sản phẩm tốt, để triển khai và giao nhà cho người mua nhà, bởi thế, dư nợ năm 2022 giảm khoảng 10% so với 2021.