Nhiều ngân hàng rao bán nguồn bất động sản thế chấp từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Công tác thu hồi nợ khó khăn, các ngân hàng xin cơ chế để sớm xử lý được nợ xấu.
Đầu năm ngân hàng dồn dập rao bán nợ xấu
Ngân hàng VietinBank, chi nhánh Hà Thành phát đi thông báo bán đấu giá bất động sản để thu hồi nợ xấu. Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, có diện tích 77,5m2 tại A11 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Giá khởi điểm của lô đất là 15,54 tỷ đồng. Đây là lần thứ 4 ngân hàng này rao bán bất động sản này.
Còn Agribank chi nhánh Long Biên, Hà Nội thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Khánh Hương được thế chấp bằng 3 bất động sản. Tài sản thứ nhất là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 12, ngõ 66, phố Yên Lạc, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tài sản thứ hai là căn hộ số 606, nhà 17T2 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Tài sản thứ ba là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 04 và 02, tờ bản đồ số K4 và K5, tại xóm Rổng Vòng (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Ngân hàng này không cung cấp thông tin về giá khởi điểm của khoản nợ trên.
Agribank cũng thông báo đấu giá lô đất diện tích hơn 6.700m2, có địa chỉ tại phường 12, TP Vũng Tàu. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là 62,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank cho biết sẽ tiến hành đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH thương mại dịch vụ ASV tại Agribank chi nhánh Tân Phú theo hợp đồng tín dụng ký từ năm 2019.
Theo thông tin Agribank cung cấp, khoản nợ của Công ty TNHH thương mại dịch vụ ASV tại Agribank chi nhánh Tân Phú tạm tính đến ngày 20/1/2025 là hơn 105 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 68,9 tỷ đồng còn nợ lãi là 36,4 tỷ đồng.
Khoản nợ này được thế chấp bằng 3 lô đất có địa chỉ tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Các lô đất này có diện tích từ 290m2 - 2.285m2. Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 93,6 tỷ đồng.
Agribank cũng thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH TM DV Chăm sóc cuộc sống phát sinh theo hợp đồng tín dụng từ năm 2020. Giá trị ghi sổ khoản nợ của Công ty Chăm sóc cuộc sống tại Agribank chi nhánh Tân Phú tạm tính đến ngày 20/1/2025 là 37,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 24,8 tỷ đồng còn nợ lãi là 12,9 tỷ đồng.
Khoản nợ này cũng được đảm bảo bằng 2 lô đất có địa chỉ xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Diện tích của 2 lô đất này là 322m2 và 734m2. Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 33,8 tỷ đồng.
Sớm luật hóa các giải pháp xử lý nợ
Một trong những khó khăn lớn của hệ thống ngân hàng hiện nay là vấn đề xử lý nợ xấu. Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch NHTM quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, VIB cũng như các ngân hàng tin tưởng khi quyền hợp pháp của chủ nợ được đảm bảo, ngành ngân hàng sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và người dân. Về phía các tổ chức tín dụng, sẽ mạnh dạn cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất phù hợp hơn, đồng nghĩa với việc chi phí tín dụng của người vay sẽ được tiết giảm, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và của nền kinh tế.
Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết, thời gian qua, mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, tuy nhiên, nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cũng cho hay, từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực và nhiều quy định không được luật hóa vào Luật Các tổ chức tín dụng 2024, công tác thu hồi nợ gặp khó khăn hơn khi nhiều khách hàng thiếu hợp tác.
“Các tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản đảm bảo nên nhiều khách hàng cố tình chống đối không trả nợ, không bàn giao tài sản đảm bảo… ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu”- ông Hùng cho biết.
Theo các chuyên gia, tổng tài sản tồn đọng do nợ xấu lên tới gần 200.000 tỷ đồng, thậm chí có thể cao hơn. Mặc dù Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhưng khi nghị quyết này hết hiệu lực, các ngân hàng lại gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ. Vì thế, nhiều ngân hàng kiến nghị Chính phủ sớm luật hóa các giải pháp xử lý nợ để đảm bảo tính bền vững của hệ thống tài chính.