Kinh tế

Ngân hàng khởi động 'cuộc đua' tăng vốn năm 2024

Văn Thanh 06/03/2024 14:54

NHNN đã có công văn về việc chấp thuận cho một số ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua các phương án như: phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược… Điều này khiến "cuộc đua" tăng vốn trong năm 2024 của ngành ngân hàng trở nên sôi động.

LPBank "miệt mài" tăng vốn từ 2018 đến nay

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, MCK: LPB, sàn HoSE) vừa có thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 27/4 tới đây.

Tại Đại hội, cổ đông sẽ xem xét và thông qua các báo cáo và các tờ trình quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023 và năm 2024.

Đáng chú ý, HĐQT LPBank sẽ trình cổ đông thông qua tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, cổ đông ngân hàng này đã thông qua việc tăng vốn thêm tối đa 11.385 tỷ đồng thông qua 4 hình thức triển khai, gồm: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 19%; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài; và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP).

Trong năm 2023, vốn điều lệ ngân hàng này đã tăng thêm 47% (tương ứng 8.285 tỷ đồng) lên mức 25.576 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ cũng là động thái quen thuộc của LPBank kể từ năm 2018 đến nay. Ngân hàng này liên tục tăng thêm vốn điều lệ mỗi năm thông qua các hình thức khác nhau như chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông.

ngan-hang-khoi-dong-cuoc-dua-tang-von-quy-dau-nam-2024-ddk.png
"Cuộc đua" tăng vốn trong năm 2024 của ngành ngân hàng khá sôi động với sự tham gia của nhiều nhà băng. Ảnh minh họa.

Ngân hàng nhóm Big4 cũng tham gia

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB, sàn HoSE) đã công bố Nghị quyết HĐQT phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.

Cụ thể, HĐQT Vietcombank thống nhất phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2022 để báo cáo xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Phía VCB cho biết, năm 2022, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ kiểm toán của ngân hàng đạt hơn 29.380 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (1.470 tỷ đồng), quỹ dự phòng tài chính (2.930 tỷ đồng) và quỹ khen thưởng, phúc lợi (3.290 tỷ đồng), Ngân hàng sẽ dùng hết 21.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Với vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank gần 55.891 tỷ đồng và giá trị chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn 21.680 tỷ đồng, ước tính tỷ lệ thực hiện quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu là 38,79%/vốn điều lệ. Do đó, VCB sẽ phát hành thêm 2,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận được gần 388 cổ phiếu).

Sau khi hoàn tất chia cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm 21.680 tỷ đồng, lên mức hơn 77.571 tỷ đồng.

Trong nhóm Big4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (MCK: CTG) cũng tham gia "cuộc đua" tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, HĐQT của nhà băng này vừa đưa ra quyết định thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.

Theo đó, lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng này năm 2022 là 16.442 tỷ đồng.

HĐQT nhà băng dự kiến trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ 822 tỷ đồng; trích quỹ dự phòng tài chính 1.644 tỷ đồng; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 2.327 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau trích các quỹ của VietinBank là 11.648 tỷ đồng.

Ngân hàng sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài

Bên cạnh việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều ngân hàng còn lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank, MCK: HDB) có kế hoạch dành 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.

Tại cuộc gặp với các nhà đầu tư tháng 2/2024, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank chia sẻ, ngân hàng đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, dành ra khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.

Cụ thể, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và ngân hàng tìm được những đối tác phù hợp.

Cũng theo Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank, trong suốt thời gian vừa qua, ngân hàng này nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.

LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, SHB đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển từng thông tin với cổ đông rằng sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng khởi động 'cuộc đua' tăng vốn năm 2024

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO