Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, điều này tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Cụ thể, NHNN dự kiến bổ sung nhiều quy định nhằm hạn chế hoạt động cho vay liên quan tới việc sử dụng vốn vay tiêu dùng, sinh hoạt liên quan như một dạng trá hình đến bất động sản, nhằm kiểm soát rủi ro.
Số liệu thống kê từ cơ quan này cho biết, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức khoảng 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản ước 800.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ tín dụng.
Qua đó, NHNN cũng nhận thấy, một số tổ chức tín dụng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản.
Chính vì vậy, tại dự thảo mới, NHNN đã đề xuất quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở. Đặc biệt là các khoản vay với số tiền lớn.