Ngân hàng ồ ạt rao bán nợ

H.Hương-M.Sang 06/07/2023 08:00

Nợ xấu tăng nhanh, tín dụng tăng chậm, các ngân hàng liên tục thông báo phát mại tài sản bảo đảm là các dự án, nhà máy, nhiều nhất là bất động sản để giảm phần nào gánh nặng nợ xấu.

BIDV là một trong những ngân hàng có thông báo phát mại nhiều tài sản.

Nhiều tài sản rao bán không có người mua

Tại Ngân hàng BIDV hiện có 4 thông báo phát mại tài sản, trong đó có 3 thửa đất với giá khởi điểm từ 7 - 18 tỷ đồng. Ngân hàng này còn đang phát mại hàng loạt dự án, nhà máy lớn. Chẳng hạn như khoản nợ của Công ty Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi với giá khởi điểm 914 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này gồm nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản tại Gia Lai và Kon Tum.

Nhiều tài sản được BIDV rao bán hàng chục lần vẫn không có người mua. Như dự án Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, giá khởi điểm 325 tỷ đồng. Tài sản này đã được đấu giá đến lần thứ 10. Hay như Nhà máy xi măng lò quay Áng Sơn tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và các tài sản liên quan vừa được thông báo đấu giá lần thứ 15 với giá khởi điểm hơn 191 tỷ đồng.

Một loạt các khoản nợ khác cũng đã được BIDV hạ giá sau nhiều lần rao bán không có người mua, như khoản nợ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty cổ phần Thanh Tâm bán với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng (trong khi nợ gốc và lãi gần 600 tỷ đồng); khoản nợ của Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi giá 914 tỷ đồng. Còn ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng thông báo một loạt danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Các tài sản này chủ yếu là bất động sản tại phần lớn địa điểm du lịch như TP Hội An, TP Đà Nẵng hay tỉnh Khánh Hòa.

Tương tự, Vietinbank cũng rao bán các tài sản thế chấp. Tại Quảng Nam, Vietinbank đã rao bán khoảng 35 tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và biệt thự, khách sạn 3-4 sao và nhà hàng trị giá từ 12 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng.

Theo đó, một khách sạn 4 sao có diện tích hơn 1.737m2, diện tích xây dựng là hơn 3.095m2, gồm 48 phòng được rao bán với giá 240 tỷ đồng; khách sạn 4 sao khác có diện tích đất 9.057,3m2; diện tích xây dựng 8.876,7m2; gồm 98 phòng được bán với giá 420 tỷ đồng.

Ngoài bán tài sản thu hồi nợ, VietinBank cũng thông báo bán 566 khoản nợ vay tiêu dùng. Các khoản vay này có quy mô từ vài trăm nghìn đồng tới gần 200 triệu đồng. Các khoản nợ này được chào bán bằng 90% giá trị ghi sổ (gồm tiền gốc, lãi và lãi phạt).

Có thể thấy, chất lượng tín dụng các ngân hàng đang có xu hướng xấu đi khi doanh nghiệp (DN), người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt thị trường bất động sản (BĐS) và dịch vụ du lịch.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ.

“Nút chặn” trong mua bán nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh DN rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Hơn nữa, chất lượng tài sản suy giảm, song vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường BĐS đóng băng. Cùng với đó, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

Trong bối cảnhđó, một số ý kiến cho rằng muốn gỡ nợ xấu thì cần có nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ; thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu. “Nút chặn” khiến các nhà đầu tư kém mặn mà là không thể chuyển giao được quyền sở hữu tài sản đảm bảo sau khi mua nợ xấu. Vì thế, có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước. Điều này sẽ tạo ra khung pháp lý hiệu quả, mở ra một ngã rẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Về giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất để xử lý nợ xấu lâu dài, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Đồng thời, phải có các quy định tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, ví dụ cho ngân hàng bán nợ xấu với giá trị chỉ 20-30% như ngân hàng nhiều nước đang làm, hoặc cho phép ngân hàng xóa nợ nếu họ có đủ khả năng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang bán nợ xấu như giá “nợ tốt” hoặc không dám bán nợ xấu với giá thị trường vì lo ngại trách nhiệm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nợ xấu lâu nay là vấn đề lớn, để giải quyết phải có những giải pháp mang tính tổng thể, không chỉ từ việc phát triển thị trường tài chính, thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, mà cần sự ổn định từ nền kinh tế vĩ mô, ổn định hoạt động xuất nhập khẩu… giúp DN phục hồi sản xuất, tăng khả năng trả nợ đúng hạn. Hiện tại, việc giảm lãi suất cũng chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Dài hạn và bền vững phải từ việc làm sao để phục hồi nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định lạm phát, giảm dần các rủi ro nền kinh tế thì lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp, giúp giảm nguy cơ gia tăng nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng ồ ạt rao bán nợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO