Tăng trưởng nóng tín dụng một thời khiến cho hệ lụy nợ xấu vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được. Dù đang lấy lại niềm vui trong kinh doanh bằng những con số lợi nhuận khủng nhưng bù lại, khối ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Nhiều ngân hàng khẳng định sẽ tăng quản trị trong thời gian tới; trong đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng nghiêm chỉnh chấp hành việc trích lập. VPBank trích lập dự phòng rủi ro 5.620 tỷ đồng, ACB trích lập 1.423 tỷ đồng…
Từ năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 09 và Thông tư 02 nhằm siết chặt việc phân loại, trích lập dự phòng nợ xấu để phản ánh đúng sức khỏe. Việc ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro ngoài sự chủ động của ngân hàng cũng cho thấy, các khoản vay vẫn khá rủi ro. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, hệ thống TCTD đã tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu
Báo cáo tử Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo khoảng 2,9% trong khi năm năm 2016 khoảng 2,6%.
Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu. Về xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống TCTD ước tính xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó: Nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán tài sản đảm bảo khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tín dụng đang có dấu hiệu nóng trở lại thì ngân hàng phải cẩn trọng, buộc phải lưu ý hơn vấn đề quản trị. Chưa kể một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020 là tập trung cải thiện năng lực quản trị của các ngân hàng thương mại (NHTM), nâng cao hiệu quả giám sát ngân hàng theo Basel II, hướng theo chuẩn quốc tế. Cẩn trọng với hoạt động tín dụng là vấn đề quan trọng.
Trong thông báo mới nhất (ngày 8-11) về Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tính toán điều hành tăng trưởng tín dụng theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế để vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng không tạo lạm phát kỳ vọng cho năm 2018, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%. Căn cứ diễn biến lạm phát để nghiên cứu các giải pháp điều hành lãi suất huy động, nhất là lãi suất cho vay theo hướng bám sát diễn biến thị trường và hỗ trợ cho tăng trưởng, tranh thủ điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất nếu có thể.