Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm 14/6 đã tổ chức cuộc họp quan trọng để thảo luận xem liệu họ có nên chấm dứt chương trình kích thích mua trái phiếu hay không, kết quả của cuộc họp này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của châu lục.
Ảnh minh họa.
ECB, bên đưa ra chính sách tiền tệ chung cho 19 quốc gia sử dụng đồng Euro, có chương trình chi 30 tỷ Euro (35,5 tỷ USD) mỗi tháng để mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp từ các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay giới phân tích cho rằng ECB có thể quyết định hủy chương trình này thông qua một số bước đi trung gian.
Chương trình kích thích này một khi chấm dứt sẽ tạo nên sự thay đổi lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. ECB có khả năng sẽ làm giống như Cục Dự trữ liên bang Mỹ - cơ quan mới đây ra quyết định nâng tỷ lệ lãi suất - để chấm dứt thời kỳ kích thích tiền tệ hậu Đại suy thoái.
Chương trình mua trái phiếu mà ECB áp dụng, bắt đầu từ tháng 3/2015, bơm lượng tiền mới in vào nền kinh tế, trên lý thuyết sẽ giúp nâng tỷ lệ lạm phát tới mức dưới 2% mà ngân hàng này đặt làm mục tiêu. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 vừa qua ở mức trung bình 1,9%, tuy nhiên ECB cần phải đảm bảo rằng mức tỷ lệ này vẫn ở dưới 2% ngay cả khi họ ngừng chương trình mua trái phiếu.
Trong trường hợp ECB ngừng mua trái phiếu, hành động này sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng. Nó sẽ đẩy giá các khoản đầu tư như trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản trong khi giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Giới phân tích từ lâu đã quan ngại rằng ECB có thể sớm chấm dứt chương trình mua trái phiếu bởi sẽ không còn trái phiếu thích hợp để mua. Và trong bối cảnh chương trình này được dự đoán sẽ bị dừng vào cuối năm nay, nhiều người bắt đầu đồn đoán về khả năng ECB sẽ bắt đầu nâng tỷ lệ lãi suất - hiện vẫn đang giữ ở mức 0% sau thời kỳ suy thoái.