Ngân hàng ‘tung vốn’ hỗ trợ sản xuất

H.Hương 28/06/2021 06:30

Ngành ngân hàng đã và đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất vay thấp và ổn định.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới...).

Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VNĐ và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) hỗ trợ các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ, lãi suất giảm 1-1,5% so với kỳ trước.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay; dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của Vietinbank tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, một số ngân hàng TMCP, ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đã tích cực triển khai các gói tín dụng đối với khách hàng với lãi suất phù hợp, có thể kể đến như: Bắc Á, Hàng Hải, An Bình, Việt Nam Thương tín, Nam Á, Kỹ Thương, Bảo Việt, Sài Gòn Công Thương, UOB (Singapore), HSBC, Công ty tài chính Mirae Asset.

Dịch Covid-19 đợt 4 diễn ra đã tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn nền kinh tế, trong đó có ngân hàng. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn đặt mục tiêu quan trọng nhất là hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, hạn chế sự đổ vỡ của doanh nghiệp (DN). Hiện nay, nhiều DN đã cạn kiệt khoản dự trữ của mình nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay.

Để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng chia sẻ, quan điểm của NHNN là quán xuyến các tác động này để điều hành lãi suất, tín dụng hợp lý, vừa tăng thêm lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, điều cộng đồng DN mong muốn cũng như giới chuyên gia, nhà điều hành mong muốn là lãi suất ổn định?

Theo quan điểm của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VnDirect, dư địa cho cắt giảm lãi suất trong thời gian tới là tương đối hạn chế bởi áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng. Bên cạnh đó, cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến NHNN thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác, như bất động sản, chứng khoán.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, diễn biến của lãi suất từ nay đến cuối năm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là liên quan đến bối cảnh phục hồi kinh tế và lạm phát cả trong nước và thế giới. Ngoài ra, tình hình lãi suất còn phụ thuộc vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong tình hình kinh tế còn khó khăn, chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì NHNN sẽ không tăng lãi suất, mà sẽ duy trì chính sách lãi suất như hiện tại cho đến cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng ‘tung vốn’ hỗ trợ sản xuất