Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, song xét về mặt tích cực lại giúp đẩy mạnh cuộc đua số hóa, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại điện tử.
Ngân hàng Bưu điện liên việt (Lienvietpostbank) vừa mắt ứng dụng LienViet24h dành cho cả người chưa có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Theo giới thiệu, sau khi tải ứng dụng chỉ cần đăng ký bằng số điện thoại và định danh trực tuyến với giải pháp eKYC (định danh qua khuôn mặt), khách hàng có thể sử dụng hàng trăm dịch vụ thanh toán điện, nước, truyền hình...;
Còn đối với đối với khách hàng đã có tài khoản thì ngay lập tức có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng bán lẻ trực tuyến: gửi tiết kiệm online, vay cầm cố tiền gửi, chuyển tiền liên ngân hàng…
Không chỉ Lienvietpostbank muốn số hoá các dịch vụ ngân hàng để tăng thị phần, mà thời gian qua, lĩnh vực ngân hàng số của nhiều ngân hàng phát triển rất mạnh, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đơn cử, một ngân hàng truyền thống xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp mất khoảng 1 tuần, thì ngân hàng số có thể giải ngân cho doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng.
Nhiều ngân hàng thương mại đã chạy đua đầu tư cho ngân hàng số. Chẳng hạn như Nam A Bank ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng.
Ngân hàng này còn đầu tư VTM OPBA - máy giao dịch ngân hàng tương tác bằng hình ảnh, tích hợp ATM, mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng mọi lúc mọi nơi: rút tiền, in, xem sổ phụ tài khoản, phát hành thẻ mà không cần tới ngân hàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự nỗ lực gia tăng ứng dụng số hoá của các ngân hàng không chỉ nhằm hưởng ứng, đồng hành với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ số hoá của khách hàng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo mục tiêu của Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử…
Mục tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng trong đẩy mạnh số hóa, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Giới chuyên gia khẳng định Covid-19 sẽ buộc các nhà băng xem xét lại việc mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng
Đại diện lãnh đạo Vietcombank cho biết, việc số hoá không chỉ dừng lại ở triển khai các dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc di động, mà phải đảm bảo ứng dụng được các công nghệ hiện đại ở tất cả các cấp độ tác nghiệp và trên tất cả các nền tảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay nói hình tượng là “số hoá là biến tất cả những gì có thể nhìn thấy thành không nhìn thấy…
Theo đó, các chức năng hỗ trợ hoat động trong các ngân hàng như quản trị rủi ro, quản lý nợ, phát triển sản phẩm, tiếp thị quan hệ công chúng đều phải được hoạt động trên cơ sở số hoá để biến một ngân hàng truyền thống trở thành ngân hàng số thực sự.