Giáo dục

Ngăn học sinh vi phạm an toàn giao thông: Không chỉ vận động, mà cần cam kết

Thu Hương 19/11/2024 11:52

Tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, trong tháng cao điểm (tháng 10/2024), toàn thành phố đã xử lý gần 8.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ gần 3.500 phương tiện các loại.

Anh cv
Công an TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn thành phố. Ảnh: Xuân Ngọc.

Lực lượng chức năng đã xử lý hơn 450 phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, xác minh và lập danh sách hơn 3.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông để gửi thông báo đến Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội.

anh bai chinh t12 13
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội xử lý trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: Lê Thắm.

Nhà trường vào cuộc

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023, khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương, trong số đó, gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc THPT. Đáng chú ý, tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ xảy ra ở bên ngoài nhà trường mà còn diễn ra ngay cả trong khuôn viên trường học. Chỉ một thời gian ngắn, cả nước đã xảy ra hai vụ tai nạn khi phụ huynh điều khiển ô tô trong sân trường gây tai nạn.

Giảm thiểu TNGT ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên là một trong những thách thức đặt ra đối với các gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, về phía nhà trường, việc tích cực tuyên truyền ATGT là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, trong nội quy nhà trường đã có nội dung quy định về ATGT. Mỗi đầu năm học, các thầy cô giáo chủ nhiệm đều giáo dục và ký cam kết với học sinh, phụ huynh về việc đảm bảo ATGT như thực hiện đúng quy định về đội mũ bảo hiểm, khi điều khiển xe máy phải đúng độ tuổi và phải có giấy phép lái xe đối với những trường hợp học sinh trên 18 mới được sử dụng xe máy trên 50cm3. Trong giờ học các giáo viên cũng tích hợp nhiều những biện pháp để nhắc nhở, giáo dục học sinh về tuân thủ các quy định về ATGT. Trường cũng thường xuyên phối hợp cùng Phòng cảnh sát công an quận Nam Từ Liêm, Học viện Cảnh sát đến trường tuyên truyền cho học sinh, cán bộ giáo viên trong các giờ chào cờ đầu tuần, từ đó nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh.

“Vừa rồi trường có 3 học sinh vi phạm ATGT và bị gửi giấy về trường. Nhà trường đã mời các học sinh này và phụ huynh đến để phối kết hợp giáo dục học sinh, ký cam kết một lần nữa về việc chấp hành đúng quy định về ATGT và không tái phạm nữa” – ông Tùng thông tin và mong phụ huynh sẽ phối hợp cùng nhà trường thực hiện nghiêm quy định để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của chính con em mình.

Tại Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), từ đầu năm đến nay nhà trường đã 2 lần mời công an huyện Ứng Hòa đến để phổ biến kiến thức an toàn pháp luật cho học sinh đặc biệt là kiến thức, quy định về ATGT. Nhà trường hối kết hợp với công an huyện Ứng Hòa, đội giao thông công an xã thường xuyên kiểm tra vào lúc đầu giờ, giờ tan tầm… để ngăn ngừa tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm cũng như là đi xe máy phân khối lớn không đúng độ tuổi pháp luật quy định. Phối hợp với phụ huynh kiểm soát chặt chẽ học sinh mọi thời gian khi các em tới trường học chính khóa hay ngoài giờ chính khóa cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định, nên đến nay chưa phát hiện trường hợp học sinh vi phạm về ATGT.

Ông Hoàng Chí Sỹ - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng cho biết, phụ huynh ký cam kết cùng với nhà trường trong việc giáo dục, tuyên truyền học sinh thực hiện quy định về ATGT và nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh.

“Chúng tôi cũng gắn trách nhiệm trực tiếp với phụ huynh nếu như để xảy ra việc học sinh vi phạm ATGT, các cơ quan chức năng phát hiện thì nhà trường sẽ xử lý nghiêm ngặt. Các bậc cha mẹ học sinh phải chịu trách nhiệm về vấn đề này” – ông Sỹ nhấn mạnh về kế hoạch ngay từ đầu năm của nhà trường đó là kiểm soát chặt chẽ xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm có thể xảy ra.

anh nho bai chinh
Đại diện giáo viên và học sinh Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Đống Đa, Hà Nội) cùng ký cam kết năm học 2024-2025. Ảnh: NTCC.

Quyết liệt các giải pháp

Tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh như TP Cẩm Phả, TP Hạ Long, TP Đông Triều và huyện Hải Hà đã xây dựng nhóm zalo chuyên biệt về ATGT cho học sinh. Nhóm zalo với sự chủ trì của lực lượng Công an và sự tham gia điều hành của lãnh đạo UBND địa phương, phòng giáo dục, hiệu trưởng và đại diện các chi hội phụ huynh tất cả trường học. Đây là nơi trao đổi thông tin, xác minh các trường hợp vi phạm một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời phổ biến đến các bậc phụ huynh và các thầy cô những quy định của pháp luật về ATGT lứa tuổi học sinh, qua đó lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên.

Ghi nhận sau hơn 1 năm triển khai, cách làm này đã cho thấy hiệu quả tích cực. Cùng với các giải pháp quyết liệt khác, chỉ trong tháng 10/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 1.867 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT; xác định được 1.008 phụ huynh, giám hộ và chủ xe (số trường hợp còn lại hiện đang trong quá trình xác minh).

Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an) đề xuất, với việc Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cần thiết phải đưa vào giảng dạy chính khóa để bắt buộc học sinh có ý thức thực hiện tham gia giao thông một cách an toàn. Trong đó, có những quy định mới như quy định bắt buộc đối với trẻ em ngồi trên xe ô tô dự kiến cũng là một thách thức đối với lực lượng chức năng khi thực hiện nên cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới toàn dân.

Nhìn nhận việc giáo dục ATGT trong trường học hiện nay dù đã được các nhà trường đẩy mạnh, chú trọng song vẫn mang tính lý thuyết nhiều, ông Nguyễn Quang Tùng mong muốn công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm từ phía các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thời gian dài để hạn chế các vi phạm ATGT cũng như giảm thiểu TNGT ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên.

Bà Nguyễn Thị Mai Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội):

Nêu cao trách nhiệm phối hợp của phụ huynh cùng nhà trường

Co Hue

Về hình thức xử phạt học sinh vi phạm ATGT, tôi cho rằng các biện pháp đã đủ tính răn đe khiến cho học sinh có ý nghĩ muốn vi phạm cũng cần cân nhắc lại. Cần “siết” hơn nữa là trách nhiệm của phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh cùng với nhà trường để chấp hành quy định về ATGT. Nhà trường hoàn toàn ủng hộ việc không chỉ phạt học sinh vi phạm mà còn có trách nhiệm của phụ huynh trong việc quản lý con ở đây. Qua đó, công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh chấp hành theo quy định của pháp luật sẽ càng chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả hơn nhằm hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng tới chính con em của gia đình, học sinh của nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn học sinh vi phạm an toàn giao thông: Không chỉ vận động, mà cần cam kết