Nghệ thuật trình diễn khèn Mông đã chính thức trở thành Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - một tin rất vui với cộng đồng người Mông ở miền Tây tỉnh Yên Bái khi một nhạc cụ tinh hoa, độc đáo kết nối thế giới tâm linh và trần gian qua ngàn đời của họ đã có một vị thế đặc biệt.
Làm bằng gỗ với ống nứa thôi, nhưng mất công đấy. Phải khéo. Bàn tay trai Mông phải biết làm khèn, thổi khèn chứ - Giàng A Hiếu cầm chiếc khèn rất to, cười vui và nói. Rồi một khúc nhạc bí truyền cất lên. Hiếu nói đó là một đoạn "khai hội Gầu Tào".
Ở bản Pang Cáng trên đỉnh Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) nhà nào cũng có khèn. Không chỉ Giàng A Hiếu, nhiều chàng trai Pang Cáng đã trở thành "tài tử khèn Mông" khiến nhiều du khách chỉ một lần chạm đến thảo nguyên trà cổ mà xem diễn xướng đã bị mê hoặc, lại thưởng một chén chè ngon đặc sản riêng có nơi đây. Người Mông tự tình với khèn, thủ thỉ bằng tiếng khèn, và phô diễn tuyệt kỹ đôi chân nhảy múa ảo diệu mà khỏe khoắn khi chuyên trở tiếng khèn đi xa hơn ngọn núi...
Người Mông gọi khèn là "kềnh", thứ nhạc cụ có âm thanh hấp dẫn gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Tiếng khèn ngàn năm nhắc nhở con cháu bản Mông về cội nguồn của mình. Tiếng khèn huyền diệu cất lên ở bất kỳ chỗ nào, nơi đó lập tức lôi cuốn tình đoàn kết và sức mạnh của người Mông, toát lên nét khỏe mạnh và lạc quan kỳ lạ. Người Mông đi chợ có khèn. Cưới xin, ma chay, lễ cơm mới cũng có khèn, và tiếng khèn thay lời giao duyên tỏ tình của chàng trai Mông giữa đêm trăng sơn cước...
Cuộc sống của người Mông rẻo cao qua ngàn đời đã tạo nên một di sản độc đáo. Chỉ giản đơn xuất phát từ vùng cư trú thưa thớt, nhà nọ cách nhà kia nửa vạt đồi, mưu sinh nương rẫy bậc thang, chinh phục kẻ thù và thú dữ, mỗi khi làm xong một việc lớn, cộng đồng lại ăn mừng chiến thắng, hoan ca được mùa, hoặc chỉ là có việc cần gọi nhau, thế là khèn cất tiếng gọi. Thứ âm thanh loang khắp núi rừng, vang vọng được sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ, đã kết thành giai điệu riêng có của khèn Mông. Giai điệu và tiết tấu khèn Mông trở nên tinh hoa, rất khó khi kèm theo những động tác múa, nhảy phức tạp mà chỉ có những người đàn ông khổ luyện mới đạt độ "diễn khèn". Tức là văn hóa khèn.
Nhiều nghiên cứu về khèn Mông xác định nghệ thuật độc đáo này là thành tố quan trọng của văn hóa Mông, gắn với đời sống vật chất và mang đậm sắc thái cộng đồng. Làn khèn có triết lý sống cao đẹp, cô đọng nhân sinh quan, lối ứng xử đẹp, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Mỗi điệu khèn, mỗi động tác múa, mỗi cách thức thể hiện khèn đều truyền tải ý tứ của bức tranh nhiều màu sắc của người Mông. Không chỉ diễn xướng lúc ma chay, lễ hội, chơi chợ Xuân, những chàng trai người Mông lúc đi trên đường, đi nương, lên rừng, săn bắt, đi tìm hiểu bạn gái bản bên đều mang khèn. Không gian văn hóa của di sản khèn trở nên rất rộng và không cố định. Khèn ngân lên thì đôi chân không thể đứng yên. Và có lẽ những "vũ đạo khèn Mông" sẽ còn những bí ẩn dài lâu chưa thể nghiên cứu hết...
Chúng tôi gặp nghệ nhân Chang A Khua ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải. Anh vừa thổi khèn vừa lăn mấy vòng mà tiếng khèn vẫn trong trẻo, không dứt. "Con gái Mông thích trai bản đánh khèn hay. Khèn đã giúp bao đôi trai gái núi Kim Nọi nên duyên vợ chồng đấy" - anh Khua kể. Nhiều gia đình, dòng họ Mông thường tổ chức "hội múa khèn" khi có việc lớn hoặc dịp đầu Xuân. Người giỏi khèn dạy người chưa biết, người nọ bắt chước người kia nhập vào làn khèn múa theo. Cứ thế, hội khèn càng lúc càng thêm náo nhiệt.
Chế tác được cây khèn vừa đẹp, chuẩn âm thanh đòi hỏi kỹ thuật rất cầu kỳ và lựa chọn vật liệu kỹ càng. Cuộc sống hiện đại giờ tràn về thôn bản, trai Mông biết thổi khèn nhưng làm khèn giỏi thì không có mấy người. Bây giờ vẫn có người miệt mài làm khèn, rồi dạy cho con cháu trong nhà, hoặc đem xuống chợ huyện bán. Qua nhiều thế hệ, nghệ thuật khèn được cộng đồng Mông tự bảo lưu, trao truyền và diễn tác mà có thêm năng lượng tích cực thể hiện sức sống bền vững của một di sản văn hóa độc đáo, lâu đời, hướng cả cộng đồng tới cái chân - thiện - mỹ mà gạt bỏ ưu tư, sầu não.
Người Mông ở tỉnh Yên Bái hiện nay, cơ bản nam giới từ thiếu niên đến tuổi trưởng thành đều biết múa khèn. Tuy nhiên những người giỏi, xuất sắc thì không nhiều, đặc biệt là những người có thể chế tác khèn giỏi càng ít. Mỗi huyện như Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải chỉ có 2 đến 3 người, có địa phương không còn người nào chế tác khèn. Di sản khèn Mông đã nhiều lần được đưa vào những chương trình dài hơi nhằm bảo tồn và phát huy.
Tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật khèn Mông trong các lễ hội, sự kiện kỷ niệm của tỉnh, của đất nước, đặc biệt là trong các hoạt động thúc đẩy du lịch như một sản phẩm đặc sắc của địa phương. Ngày nay, du khách đến với Mù Cang Chải sẽ có rất nhiều cơ hội được hòa mình vào âm thanh du dương, trầm bổng của tiếng khèn Mông. Dù là người khó tính hay ít đam mê nghệ thuật nhưng mỗi khi tiếng khèn Mông ngân lên đều làm cho họ như lạc vào một thế giới, một không gian hoàn toàn khác lạ, mà thấy hiện lên bao la hùng vĩ của núi rừng nhưng lại mang nét chân thành, giản dị trong cuộc sống của con người bản địa.
Góp công chủ lực đưa làn xòe Thái ở Tây Bắc trở thành di sản của nhân loại, Yên Bái đang nỗ lực phát huy giá trị các di sản thành tài sản kinh tế xã hội. Du lịch Yên Bái ngày càng phát triển, tăng cả về lượt khách và doanh thu. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Yên Bái đón gần 1 triệu lượt khách với doanh thu gần 725 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vùng danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải là điểm đến của hầu hết của du khách với Festival Khèn Mông và các cuộc Liên hoan thi múa khèn Mông do diễn viên, nghệ nhân diễn xướng.