Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến hết sức phức tạp, đây là nỗi trăn trở của nhiều gia đình và là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Giải pháp nào để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường vẫn đang là một băn khoăn lớn đặt ra bấy lâu.
Các địa phương ráo riết vào cuộc
Chỉ từ đầu năm học 2022-2023 đến nay đã có hàng chục vụ việc bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Vụ việc xảy ra mới nhất thu hút sự quan tâm của dư luận là một nhóm nữ học sinh của Trường THCS Nguyễn Du (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) đã dùng mũ bảo hiểm xông vào đánh tới tấp một nữ sinh cùng trường. Theo thông tin ban đầu từ Trường THCS Nguyễn Du, sự việc xảy ra vào chiều 24/10 và ở bên ngoài nhà trường. Nữ sinh bị đánh đang học lớp 9, còn nhóm nữ sinh tham gia đánh bạn cũng là học sinh của trường này.
Hiện nay phía nhà trường đã mời phụ huynh của các học sinh liên quan tới vụ việc bạo lực học đường này tới làm việc, đồng thời cũng đã mời công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM vừa yêu cầu các nhà trường có biện pháp ngăn ngừa vấn nạn trên. Theo ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, các trường phải xây dựng quy trình rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Nhà trường đồng thời có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật; Tổ chức can thiệp, trợ giúp hoặc kết nối với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng can thiệp, trợ giúp đối với học sinh cần can thiệp, trợ giúp khẩn cấp hoặc có nhu cầu can thiệp, hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng.
Trong tháng 10/2022 tỉnh Hà Tĩnh cũng có văn bản yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo hiệu trưởng, ban giám hiệu các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bạo lực học đường, xâm hại trẻ em cho học sinh, học viên, sinh viên các nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, kịp thời ngăn chặn các hành vi, biểu hiện vi phạm đạo đức, bạo lực học đường. Phối hợp triển khai nhiều biện pháp rà soát, nắm chắc tình hình học sinh, kịp thời giáo dục, theo dõi, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, quay video clip về hành vi bạo lực rồi đăng lên mạng xã hội.
Còn tại Bình Thuận, để tăng cường công tác phòng, chống bạo lực trong các cơ sở giáo dục, mới đây Sở GDĐT đã đề nghị các Phòng GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, công tác xã hội trong trường học, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình và nhà trường…
Giáo dục là giải pháp hữu hiệu nhất
Theo các chuyên gia giáo dục thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Nếu xã hội, cộng đồng, gia đình giáo dục đưa trẻ về những giá trị không chứa đựng sự bạo lực; giáo dục việc ứng phó một cách hiệu quả với bạo lực thì các vụ bạo lực sẽ giảm đi. Ngược lại nếu chưa có sự giáo dục tốt thì rõ ràng vấn nạn này sẽ không giảm thiểu được, vẫn duy trì tình trạng như hiện nay, thậm chí là gia tăng. Vì thế nền tảng giáo dục chính là cách tốt nhất để làm giảm thiểu tình trạng này.
Theo ông Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, nguyên nhân của bạo lực học đường rất đa dạng. Ở tầm phổ quát nhất, bạo lực học đường chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa, kinh tế, xã hội. Ở tầm hẹp hơn, đó chính là những tác động của môi trường học đường, các mối quan hệ bạn bè, và đặc biệt là những mối quan hệ gốc của học sinh - các mối quan hệ gia đình; phương pháp nuôi, dạy con của cha/mẹ học sinh.
Theo ông Học, việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực học đường là điều không thể. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nhà trường và thầy, cô là phải quản lý và giảm thiểu ở mức thấp nhất để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh. Ở phương diện giáo dục, phải hết sức lưu tâm đến tính dân chủ, đến bản chất của tiếp cận “lấy học sinh làm trung tâm”, đến tính nhân văn trong mối quan hệ thầy - trò và thái độ, tâm thế của các bên khi bạo lực xảy ra. Có như vậy, mới có thể quản lý được bạo lực và thúc đẩy một môi trường giáo dục lành mạnh cho tất cả học sinh.
Để hạn chế tối đa và giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Gia đình, nhà trường, xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này. Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác. Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; quan tâm tới từng học sinh và chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích. Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình…