Mới đầu năm học 2024 - 2025, nhiều tai nạn tại môi trường học đường đã xảy ra. Làm gì để hạn chế và đảm bảo an toàn môi trường học đường là vấn đề bức thiết cần được giải quyết rốt ráo.
Tai nạn thương tâm
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Thông tư 18/2023 hướng dẫn về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục, tuy nhiên ngay trong những tuần học đầu tiên đã ghi nhận các tai nạn xảy ra.
Vào 6 giờ 45 phút ngày 16/9, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tiểu học - THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, H.Krông Búk, Đắk Lắk), do trời mưa nên một phụ huynh đưa con đi học bằng ô tô bán tải đã điều khiển xe chạy vào sân trường. Khi lùi xe ô tô đã vô tình tông trúng em H.N.A.M. (7 tuổi, học lớp 2) khiến học sinh này tử vong tại chỗ.
Ngày 17/9, một học sinh lớp 5 tại Trường Tiểu học Đại Thắng (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chơi đùa trong giờ ra chơi và ngã từ tầng 2 xuống sân trường. Ngay sau khi phát hiện sự việc, giáo viên cùng nhân viên phòng y tế đã hỗ trợ đưa nam sinh đi cấp cứu. Chiều 18/9 sức khỏe nam sinh đã ổn hơn và được chuyển từ Bệnh viện Việt Đức về điều trị tại Bệnh viện Nông nghiệp.
Đây là 2 trong số những vụ tai nạn thương tích xảy ra tại trường học thời gian qua. Theo phân tích của các chuyên gia, tai nạn thương tích ở trẻ em và học sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm chiếm tỷ lệ 35,5%. Ngoài ra, nhiều trẻ em bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời.
Vì vậy, bảo đảm an toàn cho trẻ trong môi trường học đường luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành giáo dục.
Chủ động rà soát, xử nghiêm vi phạm
Từ năm 2018, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn 1669 về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục. Tại công văn này, Bộ yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các trường (từ mầm non đến THPT) trên địa bàn không cho phép các phương tiện xe cơ giới lưu thông hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi trong khuôn viên nhà trường. Đồng thời, các trường phải đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học và xử lý nghiêm cá nhân vi phạm.
Các trường cần tăng cường trách nhiệm của nhân viên bảo vệ trong quản lý, bao quát, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trong khuôn viên trường học đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong nhà trường, đặc biệt là các em học sinh. Đồng thời, luôn chú trọng công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, trang bị kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT nhận định công tác truyền thông các vấn đề liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đôi khi còn bị động, chưa kịp thời, đầy đủ; chưa bao phủ hết đến những vùng sâu, xa, vùng khó khăn nên việc hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở một số nơi còn hạn chế.
Sự việc học sinh tử vong tại Đắk Lắk rõ ràng có một phần lỗi từ sự chủ quan của nhà trường khi xe ô tô được đi trong sân trường.
Ghi nhận từ các địa phương, tính đến cuối năm học 2023 - 2024, cả nước có 15.129 cơ sở giáo dục mầm non đạt tiêu chuẩn trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích (đạt tỷ lệ 99,2%); 14.274 cơ sở nhóm trẻ, nhóm mẫu giáo độc lập đạt tiêu chuẩn trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích (đạt tỷ lệ 81,8%). Các địa phương đã chủ động tự rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn theo quy định nhằm kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục các yếu tố gây mất an toàn cho trẻ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), các quy định phòng tránh tai nạn thương tích trong môi trường học đường đã có đầy đủ, vấn đề là kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở giáo dục để hạn chế xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn. Cần xử lý nghiêm những vi phạm để làm gương, bởi nhiều vụ việc tương tự trước đó đã xảy ra nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh người khác không tái phạm.