Những năm gần đây, sự bùng nổ của các nền tảng nhạc số như YouTube, TikTok… đã mở ra cơ hội lớn cho người sáng tác và phát hành nhạc. Tuy nhiên, song song với những sản phẩm âm nhạc chất lượng, nhạc "rác" cũng đang tràn lan, gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và người nghe nhạc.
Ca từ lệch lạc
Nhạc "rác" thường được hiểu là những ca khúc có ca từ dung tục, nhạy cảm hoặc vô nghĩa, được sản xuất qua loa, không có giá trị nghệ thuật thật sự. Nhiều bài hát chạy theo xu hướng trên mạng, sử dụng nội dung giật gân để thu hút lượt xem mà không quan tâm đến chất lượng. Những ca khúc kiểu này tuy nhanh chóng trở thành xu hướng nhưng lại tác động xấu đến giới trẻ và làm xấu xí nền âm nhạc nói chung.
Một trường hợp tiêu biểu mới đây là ca khúc “Sự nghiệp chướng” của rapper Pháo (tên thật là Nguyễn Diệu Hiền). Nội dung bài hát xoay quanh câu chuyện một cô gái rơi vào mối quan hệ với chàng trai đa tình, nhưng cuối cùng đã đủ bản lĩnh để từ bỏ và lựa chọn con đường riêng cho mình. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý không nằm ở thông điệp giải thoát bản thân, mà ở phần lời bị cho là phản cảm, thiếu chiều sâu văn hóa và mang tính khiêu khích (…). MV này đã nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem và vươn lên vị trí trên bảng xếp hạng thịnh hành của YouTube Việt Nam.
“Sự nghiệp chướng” của Pháo không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, không ít ca khúc đã từng bị chế lại với ngôn ngữ phản cảm, thô tục, nhưng lại được lan truyền rộng rãi khi bị "tái sử dụng" trong các video clip giải trí. Tốc độ lan truyền của những nội dung này thường rất nhanh, bất chấp giá trị thẩm mỹ hay thông điệp văn hóa mà chúng mang lại.
Theo nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, việc mọi người chế nhạc vui với nhau thì không thành vấn đề, nhưng chế lời bài hát vi phạm thuần phong mỹ tục rồi đưa lên các trang mạng xã hội lan truyền đến nhiều người là điều không thể chấp nhận được.
Về vấn đề này, TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho thị trường âm nhạc, giúp nghệ sĩ tiếp cận khán giả nhanh hơn, không còn phụ thuộc quá nhiều vào các kênh truyền thống. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo mặt trái, khi những sản phẩm âm nhạc có chất lượng kém, nội dung lệch lạc, thậm chí phản cảm, được phổ biến rộng rãi.
“Nhạc rác không chỉ đơn thuần là những ca khúc có ca từ thiếu giá trị nghệ thuật mà có thể chứa đựng thông điệp độc hại, cổ súy cho lối sống lệch lạc, thiếu lành mạnh” - TS Phạm Việt Long thẳng thắn. Theo ông, nguy cơ lớn nhất của hiện tượng này là sự tác động tiêu cực đến nhận thức và thị hiếu âm nhạc của công chúng, đặc biệt là những người trẻ đang trong quá trình định hình thẩm mỹ và nhân sinh quan.
Bên cạnh đó, sự lan tỏa của "nhạc rác" cũng cho thấy một vấn đề khác: việc kiểm duyệt và kiểm soát nội dung trên các nền tảng số vẫn còn lỏng lẻo. Các thuật toán của mạng xã hội thường ưu tiên nội dung có tính lan truyền mạnh, bất kể giá trị nghệ thuật hay thông điệp của nó ra sao. Điều này tạo ra một vòng xoáy, trong đó những bài hát gây tranh cãi, dễ tạo hiệu ứng tò mò lại càng được đẩy lên cao.
Xây dựng thị hiếu âm nhạc lành mạnh
Theo các chuyên gia, quyền tự do sáng tạo trong nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, là điều cần được tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, không có nghĩa là mọi sản phẩm âm nhạc đều có thể phát tán một cách không kiểm soát, bất chấp tác động của nó đến xã hội.
Để vừa đảm bảo không gian sáng tạo cho nghệ sĩ, vừa hạn chế sự lan tràn của các ca khúc kém chất lượng, TS Phạm Việt Long cho rằng, trước hết, cần nâng cao vai trò của các nền tảng phân phối âm nhạc và mạng xã hội trong việc sàng lọc nội dung. Các nền tảng này không chỉ đóng vai trò là nơi đăng tải mà còn có trách nhiệm trong việc kiểm duyệt loại bỏ những tác phẩm có nội dung phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Các chính sách kiểm soát nội dung cần được áp dụng linh hoạt, kết hợp với thuật toán đề xuất nhạc theo hướng khuyến khích sản phẩm có giá trị nghệ thuật, thay vì chỉ dựa vào mức độ lan truyền.
Cùng với đó, từ phía cơ quan quản lý, cần có những cơ chế giám sát hiệu quả hơn đối với nội dung âm nhạc trên không gian số, đồng thời ban hành các chế tài rõ ràng đối với những sản phẩm vi phạm. Điều này không có nghĩa là kiểm duyệt cứng nhắc, mà là đảm bảo một môi trường phát triển lành mạnh cho âm nhạc, nơi những tác phẩm thực sự có giá trị được công nhận và phổ biến.
Quan trọng hơn cả, việc xây dựng một thị hiếu âm nhạc lành mạnh trong công chúng, đặc biệt là giới trẻ, mới là giải pháp bền vững nhất. Giáo dục thẩm mỹ âm nhạc từ nhà trường, gia đình đến truyền thông cần được đẩy mạnh, giúp công chúng có khả năng phân biệt giữa giá trị nghệ thuật thực sự và những nội dung chạy theo xu hướng một cách hời hợt. Khi người nghe trở thành những khán giả có chọn lọc, những sản phẩm chất lượng thấp dù có được lan truyền cũng khó có thể trụ vững lâu dài.
Cùng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, những bài hát mà chúng ta gọi là "nhạc rác" với ca từ thô tục, lệch lạc… thật ra thời nào cũng có. Bởi vốn dĩ không phải nhạc sĩ nào cũng có quan điểm nghệ thuật giống với tiêu chuẩn xã hội, không phải nghệ sĩ nào cũng có nền tảng văn hóa tốt, và cũng không phải nghệ sĩ nào cũng có ý thức lan tỏa cái đẹp, những giá trị nhân văn, những định hướng thẩm mỹ đến khán giả…
“Sự thật là lớp trẻ khi tâm lý và quan điểm sống chưa được vững vàng thì sẽ dễ bị thu hút và ảnh hưởng bởi những điều các em nghĩ là vui, là cá tính, là thú vị, là độc lạ, chất chơi. Đó luôn là vấn đề muôn thuở. Vấn đề đó chỉ có thể được giải quyết khi các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan quản lý văn hóa có biện pháp xử lý nghiêm khắc, chế tài cụ thể cho những tác giả hay tác phẩm sai phạm, có nội dung xấu, làm lệch lạc giá trị sống, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Tránh để trào lưu tự phát lan rộng
Theo PGS.TS Lê Văn Toàn – nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, mạng xã hội phát triển kéo theo nhiều xu hướng mới trong đời sống, trong đó có âm nhạc. Bên cạnh những mặt tích cực, cũng xuất hiện không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến định hướng thẩm mỹ và nhận thức của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Thời gian qua, nhiều cá nhân đã sáng tác hoặc viết lại lời cho các ca khúc, tạo nên những sản phẩm âm nhạc giàu cảm xúc, gần gũi với đời sống, nhận được sự đón nhận tích cực từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, cũng xuất hiện không ít ca khúc lan truyền trên mạng có nội dung kém chất lượng, thiếu tính nghệ thuật và phản cảm. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức, giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, đồng thời cần có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.