Tại hội thảo công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam năm 2011-2020 vừa được tổ chức, GS. TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%.
Khoảng 50% tỉnh, thành đảm bảo chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn
Theo đánh giá, so với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%) và nhiều quốc gia khác, mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam không thấp. Trong 10 năm 2011-2020, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều, đạt hơn 18% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 4,9% GDP, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Theo Luật giáo dục 2019, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo.
Tính theo tỷ lệ GDP (tổng sản phẩm quốc nội), mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia (5%), còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia (1,9%), Singapore (2,9%), Lào (3,3%)… “Dù vậy, mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà Luật Giáo dục 2019 đã đề ra. Bên cạnh đó, con số phần trăm nghe thì cao, nhưng khi quy về số tuyệt đối thì thấp” - ông Vinh nói.
Trên thực tế, khoảng 50% tỉnh, thành đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn. Một số địa phương chi cho hoạt động chuyên môn trên 20% như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và TPHCM. Ngược lại, những địa phương chỉ đảm bảo tỷ lệ chi cho hoạt động chuyên môn dưới 10% như Hà Giang (4%), Tuyên Quang (3%), Sơn La (9%), Hòa Bình (6%) và Sóc Trăng (6%).
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, hệ thống phân quyền quản lý cho địa phương khiến Bộ GDĐT gặp nhiều khó khăn trong quản lý nguồn nhân lực và chi ngân sách nhà nước.
Nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục
Trước đó, trong một báo cáo vào tháng 8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng cho hay, tỷ lệ chi ngân sách cho toàn ngành giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước. Con số này chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Điều này được Bộ GDĐT coi là một trong những tồn tại, hạn chế của năm học 2020-2021.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường. Thậm chí, nhiều địa phương chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% chi chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg. Điều này gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng dạy và học tại các địa phương.
Ngoài ra, Bộ GDĐT nhìn nhận việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 học sinh phải học trực tuyến, tại những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất và trang thiết bị, đường truyền internet còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Cùng với đó, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Theo Bộ GDĐT, chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập. Bộ GDĐT cho rằng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực GDĐT trên địa bàn là hết sức quan trọng, nhất là khi có sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của bí thư và chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Thực tiễn cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành giáo dục địa phương thì ở đó chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt, các vấn đề về GDĐT mà nhân dân bức xúc giảm hẳn.
Theo ông Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, mức chi cho giáo dục tại Việt Nam chưa đạt 20% như chỉ tiêu đề ra, nhưng so với tiềm lực của Việt Nam trước kia và cả hiện nay, nhìn chung “chúng ta đang làm khá tốt trong khả năng của mình”.
Tại hội thảo nói trên, GS. TS Lê Anh Vinh phân tích, chúng ta cũng không phủ nhận những tồn tại còn hiện hữu, có thể là về góc độ hệ thống, về chương trình, về nguồn nhân lực, hay về cơ sở hạ tầng… Với chức năng là một cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ phát triển chính sách, trong quá trình xây dựng báo cáo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để có được những số liệu và minh chứng đầy đủ, xuyên suốt, toàn diện và xác thực nhất làm cơ sở cho những nhận định và phân tích đảm bảo tính khoa học.
Ông Vinh cũng khẳng định, việc xây dựng báo cáo phân tích ngành giáo dục là công việc cần làm sau mỗi 10 năm nỗ lực cải thiện chất lượng ngành giáo dục. Trong những năm gần đây, các con số đã thể hiện trong bản báo cáo cho thấy, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thúc đẩy phổ cập giáo dục, cải thiện các vấn đề về bất bình đẳng trong tiếp cận, cũng như duy trì mặt bằng chất lượng giáo dục ở nhóm cao trên thế giới so với mức thu nhập bình quân đầu người.