Đây là khuyến nghị được các chuyên gia, tổ chức đưa ra trước những tác động của dịch Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 đã đẩy những đối tượng yếu thế đứng trước nguy cơ thêm khó khăn vì không có nguồn thu nhập trong thời gian dài.
Người yếu thế vẫn thiệt thòi
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, để hỗ trợ người dân, người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội. Đó là, Nghị quyết 42 với gói 62.000 tỷ đồng; Nghị quyết 68 với gói 26.000 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ 137.000 tấn gạo; Nghị quyết 116 với gói 30.000 tỷ đồng.
Năm 2022, ngân sách sẽ bố trí một phần để tăng tiền lương cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm 1/1/1995 và điều chỉnh chuẩn nghèo theo Nghị định 07 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều.
Các chuyên gia đều khẳng định sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước đã trợ lực lớn cho DN và NLĐ vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, về lâu dài các chính sách này vẫn chưa tạo ra đòn bẩy để giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, những người gặp khó khăn do dịch có thể ổn định đời sống. Nhất là khi tình trạng dịch vẫn còn diễn biến phức tạp khiến những đối tượng này bị giảm thu nhập, không có việc làm trong thời gian dài.
Đề cập về vấn đề này, bà Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho rằng, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa có tiền lệ đã được ban hành để từng bước hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, gói hỗ trợ kinh tế theo Nghị quyết 68 đã đặt trọng tâm quá nhiều vào chính sách tạm dừng, giảm đóng các chế độ bảo hiểm xã hội. Trong khi, chính sách hỗ trợ tiền mặt 2021 có qui mô nhỏ, chỉ 2.533 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với qui mô gói hỗ trợ năm 2020 theo Nghị quyết 42.
Cũng theo bà Thu, mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng được mức sống tối thiểu, còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu quy định của Nhà nước. Quy định “một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ” trong khi phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy chưa dự báo hết tình hình tác động của dịch Covid-19 đến đời sống người dân, NLĐ. Điều này đồng nghĩa với việc, các chính sách hỗ trợ chưa thể bao quát hết và giúp người dân ổn định cuộc sống trước ảnh hưởng của dịch.
Kết quả nghiên cứu đánh giá về phúc lợi xã hội cho người khuyết tật do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12/2021 cho thấy, trong số 1.792 người khuyết tật được khảo sát (tính đến thời điểm này-PV) tỷ lệ người khuyết tật đang đi làm (gồm vừa đi học, vừa đi làm) chiếm 46,4%; số ngày làm việc trung bình trước Covid-19: 23,7 ngày/tháng; số ngày làm việc trung bình từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện đã giảm xuống còn 13,35 ngày/ tháng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người khuyết tật.
Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều cho giai đoạn 2022-2025, dù đã có nhiều thành tựu về giảm nghèo xong theo Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) Tô Đức, dịch Covid-19 đang khiến cho những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua gặp phải những thách thức mới. Về ngắn hạn, tình trạng mất hoặc giảm thu nhập của NLĐ sẽ tác động tới các nhóm thu nhập thấp, không có hoặc ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội và sẽ tạo ra nhóm nghèo mới hoặc tái nghèo; có thể làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư.
Theo ước tính tại thời điểm tháng 01/2022, cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ.
Ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ.
Tăng chi đảm bảo an sinh
Mới đây, Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội đã được Bộ Tài chính công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến. Theo đó, báo cáo công khai dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 đặt ra một số mục tiêu, trong đó có “huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội”.
Đóng góp ý kiến cho Báo cáo này, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp chương trình Quản trị tốt - tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu “An sinh xã hội toàn dân” và để đạt được mục tiêu này, nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho An sinh xã hội (có thể từ 6-10% GDP) và tăng chi từ ngân sách nhà nước cho chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện, để người lao động tự do có đầy đủ các quyền lợi tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đồng quan điểm, bà Phạm Minh Thu cũng cho rằng,với diễn biến dịch như hiện nay năm 2022 dự báo sẽ là năm nhiều khó khăn đối với người dân đặc biệt là những đối tượng yếu thế. Do đó, để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, năm 2022 cần tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn (kinh nghiệm quốc tế là khoảng 4- 5% GDP hàng quý), thực hiện càng sớm càng tốt (chuẩn bị ứng phó với những làn sóng Covid trong năm 2022). Mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt “mức sống tối thiểu” (tham chiếu theo chuẩn nghèo của Chính phủ quy định) và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly/giãn cách cộng đồng. Trong đó, chi đảm bảo an sinh xã hội cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng Quỹ Dự phòng. Trong tương lai, cần có Quỹ An sinh xã hội để đảm bảo các Mục tiêu an sinh xã hội bền vững.
Theo đại diện Bộ Tài chính, dự toán ngân sách năm 2022 sẽ dự liệu, cân đối, tính toán để bảo đảm mục tiêu huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với chính sách an sinh xã hội, các cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh chính sách an sinh xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng tăng ngân sách hỗ trợ thêm 5.000 – 6.000 tỉ đồng. Đồng thời, bổ sung chính sách với người có công. Ngoài ra, ngân sách cũng bố trí một phần để tăng tiền lương cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm 1/1/1995 và điều chỉnh chuẩn nghèo theo Nghị định 07 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều. Khi thực hiện các chính sách này, một bộ phận người khó khăn trong cuộc sống sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong năm 2022.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược: Cần ưu tiên đối tượng khó khăn
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến mọi hoạt động của nền kinh tế và đời sống người dân. Nhiều chính sách quan trọng chưa có tiền lệ đã được ban hành để từng bước hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch… Tuy nhiên, dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, đòi hỏi Chính phủ cần phải duy trì, mở rộng các chính sách hỗ trợ trong năm 2022.
Bản dự thảo ngân sách nhà nước 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, ngân sách cần được cụ thể hóa và minh bạch hơn trong việc nêu bật nguồn ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào, chấp hành ra sao.
Đợt dịch lần này cho thấy một nghịch lý cần lưu ý là, những tỉnh nghèo nhất thường đồng thời có nhiều người di cư nhất, thì lại là những tỉnh cần chi tiêu nhiều nhất trong việc hỗ trợ người lao động di cư trở về.
Chính vì thế, cần có sự phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt và có giám sát chặt chẽ. Năm 2022, các chính sách hỗ trợ cần hướng tới những đối tượng khó khăn, nhất là người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh khiến họ phải mất việc hoặc ngừng việc.
L. Hương (ghi)