Văn phòng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên báo Đại Đoàn Kết nhận được đơn của Công ty Cà phê Việt Đức, phản ánh một số người đã có hành vi cố tình chặt phá vườn cây, mua bán sang nhượng trái phép tài sản công, gây bức xúc dư luận và nhân dân trong vùng.
Vườn cao su của Cty cà phê Việt Đức.
Đơn phản ánh cho biết: Từ năm 1993 Xí nghiệp Liên hiệp cà phê Việt Đức (nay là Cty TNHH MTV cà phê Việt Đức- là doanh nghiệp nhà nước, hiện đang quản lý và khai thác gần 1.500 ha đất, với 1.771 lao động, với nhiệm vụ chính là trồng và kinh doanh cà phê, cao su…), tổ chức triển khai dự án trồng 123,62 ha cây cao su với hình thức liên kết giữa Cty và người lao động. Cty đã đầu tư khai hoang, giao đất cho các hộ để trồng cây cao su và cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Hộ nhận khoán chịu trách nhiệm trồng mới, chăm sóc và kinh doanh vườn cây cao su đúng theo quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của Cty.
Từ năm 2001 đến năm 2017 Cty đã tổ chức giao khoán vườn cao su theo Nghị định 01/CP và Nghị định 135/2005/NĐ-CP, được đa số người lao động đồng tình ủng hộ, và đã có trên 90% người lao động ký kết hợp đồng giao khoán. Từ đó, cứ đến cuối chu kỳ kinh doanh (tức là thanh lý vườn cây) thì người lao động sẽ được hưởng 75%, Cty là 25% giá trị vườn cây… Song thời gian gần đây, một số người tổ chức lôi kéo, kích động một số hộ nhận khoán không tuân thủ quy định, hợp đồng giao nhận khoán, không nộp sản phẩm khoán, không nộp tiền thuê đất, chiếm đoạt, phá hoại tài sản vườn cây, tự ý chuyển đổi cây trồng với mục đích cuối cùng sẽ chiếm đoạt toàn bộ đất đai mà họ nhận khoán.
Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức: Từ khi được giao khoán đến năm 2018, hầu hết các hộ dân nhận khoán đã tuân thủ đúng theo hợp đồng giao khoán. Song từ đầu năm 2018 đến nay, do giá đất và một số cây ăn trái tăng cao nên hiện tượng chống khoán, chống quản, không tuân thủ quy định của doanh nghiệp, tự ý chặt phá vườn cây để trồng cây khác, cũng như tình trạng sang nhượng trái phép đất ngày càng tăng. Một số hộ đã tự ý mua bán, khai thác trái phép trên diện tích vườn cao su của Cty quản lý, có biểu hiện lôi kéo, chống đối, tiềm ẩn nguy cơ tạo điểm nóng.
Điển hình là vụ việc: Từ tháng 7 đến cuối tháng 8/2019, các hộ dân Nguyễn Duy Hưng, Trương Thị Nhung và Nguyễn Thị Hiền (trú tại thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk) đã tự ý khai thác, cưa hạ vườn cây cao su liên kết với Công ty để bán lại cho người khác. Sau khi phát hiện, phía Cty đã vận động, giải thích và yêu cầu các hộ dân trên dừng ngay việc cưa hạ khai thác cây cao su trái phép trên đất liên kết nhận khoán với Cty. Tuy nhiên, các hộ dân không hợp tác.
Ngày 21/8/2019, phía Cty Cà phê Việt Đức đã tổ chức đối thoại với các hộ dân nhận khoán. Tại buổi đối thoại, Cty đã giải thích, chứng minh, nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các hộ nhận khoán đối với Cty. Thế nhưng, sau buổi đối thoại, cả 3 hộ dân nói trên vẫn tiếp tục công khai cưa hạ toàn bộ vườn cây cao su đang trong thời kỳ kinh doanh (cho lấy mủ) bán để hưởng lợi. Hầu hết số cây cao su bị chặt phá kia đều bán cho vợ chồng Quý Phước (trú tại thộ 9 xã Ea Ktur, chuyên thu mua cây cao su), với giá thu mua từ 180 đến 320 ngàn đồng/cây, trong khi hiện Cty đang bán với giá gần 500 ngàn đồng/cây.
Việc tự ý chặt phá, mua bán, khai thác trái phép, phá hoại tài sản vườn cây cao su liên kết của Cty, tụ tập đông người, tạo điểm nóng làm mất an ninh trật tự trên địa bàn trái quy định của pháp luật. Mong các cấp chính quyền tỉnh Đăk Lăk, Tổng Công ty cà phê Việt Nam cần có biện pháp nhanh chóng giải quyết dứt điểm.