Với thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, Việt Nam có đã có những bước đi đầu tiên đúng hướng trong quá trình tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” thuộc khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2023.
Chuẩn bị sẵn sàng về mặt đội ngũ
GS Albert P. Pisano - Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs (Đại học California, San Diego, Mỹ) cho biết, rất ấn tượng trước những nghiên cứu mà giáo viên, giảng viên Việt Nam đang thực hiện. Hầu hết đều được đầu tư những công nghệ tốt nhất, hướng tới những giải pháp tân tiến nhất thế giới. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã có những trường đại học, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn và ngày càng phát triển. Chất lượng nghiên cứu của các trường đại học ngày càng được nâng cao.
TS Sadasivan Shankar (Đại học Stanford, Mỹ) nhìn nhận lợi thế của Việt Nam là có đội ngũ kỹ sư trẻ, tài năng, phát triển rất nhiều phần mềm, ứng dụng. Tuy nhiên, cần phát triển không chỉ những ứng dụng thuần túy giải trí mà cả những ứng dụng giải quyết một vấn đề cụ thể, chẳng hạn thách thức về sức khỏe...
Nhìn nhận về thách thức Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, TS. Shankar cho rằng đây là khó khăn chung của các quốc gia. Thực tế cấp bách là Việt Nam đang không đủ giáo sư, các nhà khoa học có khả năng dạy đầy đủ các phân ngành trong lĩnh vực bán dẫn.
Giải pháp, theo ông Shankar, là tận dụng những sự kiện như giải thưởng VinFuture khi quy tụ được đội ngũ các nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới, mời họ tham gia giảng bài trực tuyến về các phân ngành. Sau đó, tập hợp các bài giảng, sắp xếp thành một chương trình giảng dạy. Khi đó, trường đại học của Việt Nam sẽ có được một hệ thống đào tạo toàn diện về ngành bán dẫn.
“Ngành bán dẫn rất rộng. Không ai có thể dạy tất cả nội dung trong ngành bán dẫn. Bước đầu tiên để thành lập được một mô hình đào tạo hay chương trình giảng dạy chắc chắn rất khó khăn. Nhưng cần những bước đi đầu tiên này để đào tạo con người, từ đó mới có đội ngũ nhân lực dần đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển đặt ra” – TS. Shankar nói.
Giải pháp về tài chính, chính sách, con người
Để có thể thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, TS Shankar cho rằng cần nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố quan trọng là nguồn tài chính và các chính sách phát triển ngành. Vị này nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng và chính phủ luôn cần phải đi tiên phong.
Bên cạnh đó là các chính sách thuế và khuyến khích đầu tư phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam. Các công ty nhờ đó được thu hút đến Việt Nam sản xuất linh phụ kiện, thiết bị của ngành bán dẫn.
Theo GS Albert P. Pisano, với những dự báo về sự phát triển của ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia lĩnh vực này, quan trọng là tham gia cách nào phù hợp. Sự “phù hợp” ở đây không phải là lao vào những dự án siêu “khủng” ngay từ đầu mà có thể tham gia một khâu nhỏ trước. Từ đó, trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn và phát triển dần lên.
GS Albert P. Pisano nhìn nhận hiện nay Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Chẳng hạn, sản xuất tai nghe không dây ở Việt Nam đang kết hợp rất nhiều ngành: ngành nhựa, ngành âm học thẩm âm, công nghệ không dây... Đây có thể coi là tiền đề để Việt Nam bắt đầu từ những điều đã và đang làm tốt rồi bước đi xa hơn.
“Hiện nay chính là thời điểm phù hợp nhất để bước vào chuỗi cung ứng về bán dẫn toàn cầu” - GS Albert P. Pisano nói và đề xuất Việt Nam hãy “kết bạn” nhiều hơn, tức là hãy tìm kiếm và hợp tác với nhiều đối tác hơn – những đối tác sẵn sàng chia sẻ giá trị kinh tế. Họ có thể hỗ trợ hoặc cùng Việt Nam thực hiện những điều “không tưởng”, thay vì “làm mọi thứ một mình”.
GS Teck-Seng Low - Phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng, cơ hội hiện nay của Việt Nam là rất lớn bởi vi điện tử là gốc rễ của mọi giải pháp. Việt Nam có ngành nông nghiệp phát triển, có bờ biển dài để phát triển ngành thủy hải sản, các lĩnh vực khác như vi sinh, thuốc chữa bệnh,... Cơ hội để phát triển những giải pháp cho các ngành trên là rất nhiều, dựa trên tiến trình số hóa hiện nay của thế giới. Vi điện tử sẽ luôn cần thiết bởi công nghệ này cung cấp dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Ngược lại, khi có nhiều dữ liệu, càng cần những giải pháp hỗ trợ, cải tiến tiến trình số hóa.
Từ kinh nghiệm của Singapore, GS Teck-Seng Low cho rằng, cần đầu tư vào giáo dục và từ giáo dục phát triển nghiên cứu khoa học. Bởi đầu tư vào giáo dục là đầu tư tốt nhất vì mang lại hiệu quả, lợi ích lâu dài. Theo ông, con người là yếu tố rất quan trọng và đào tạo con người là một trong những vấn đề quan trọng nhất.
Để thu hút các doanh nghiệp điện tử ngành chip đến Việt Nam và giữ chân họ, GS Teck-Seng Low nêu câu chuyện thực tế là chính phủ Singapore có rất nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, luật pháp rõ ràng, chính trị ổn định, chính phủ kiến tạo, chỉ số thực hiện kinh doanh thuận lợi dễ dàng. Bên cạnh đó, Singapore có chính sách nhập cư, khuyến khích những lao động có kỹ năng, tài năng nhập cư vào Singapore làm việc.
“Hiện nay chính là thời điểm phù hợp nhất để bước vào chuỗi cung ứng về bán dẫn toàn cầu” - GS Albert P. Pisano nói và đề xuất Việt Nam hãy “kết bạn” nhiều hơn, tức là hãy tìm kiếm và hợp tác với nhiều đối tác hơn – những đối tác sẵn sàng chia sẻ giá trị kinh tế. Họ có thể hỗ trợ hoặc cùng Việt Nam thực hiện những điều “không tưởng”, thay vì “làm mọi thứ một mình”.