Những tháng đầu năm 2025 giá cà phê liên tục tăng, kim ngạch xuất khẩu cà phê cũng đạt mức kỷ lục. Vậy nhưng, hiện ngành cà phê đang phải đối mặt với nhiều thách thức như diện tích cây trồng bị thu hẹp, sản lượng giảm, nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó là quy định chống phá rừng (EUDR) của EU...
Xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng
Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt kết quả ấn tượng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,78 tỷ USD, tăng hơn 51% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ giá bán tăng mạnh. Đơn giá xuất khẩu trung bình đạt 5.698 USD/tấn, tăng tới 67,5% so với năm ngoái, bao gồm cả cà phê rang xay và cà phê hòa tan.
Về thị trường, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang 36 thị trường chính, các thị trường lớn nhất đều ghi nhận tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2025 với 278 triệu USD, tăng tới 79% so với cùng kỳ…
Lý giải nguyên nhân khiến giá cà phê liên tục phi mã, đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, trước hết là do khối lượng xuất khẩu đều giảm từ hai quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê nhân của Brazil trong tháng 2/2025 đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3 triệu bao.
Trong khi đó, ông Lê Đức Huy - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho hay, chất lượng cà phê Robusta của Việt Nam được đánh giá cao hơn các nước khác. Dù giá tăng cao nhưng lượng cà phê còn trong dân hiện nay không nhiều, người dân bán ra cầm chừng. Chủ tịch Hội đồng thành viên Simexco Daklak nhận định, diễn biến giá cà phê đang theo hướng tốt cho bà con nông dân. Cà phê Robusta Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt tại thị trường châu Á. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của ngành cà phê nước nhà trong việc đáp ứng nhu cầu thế giới, nhưng cũng đặt ra thách thức về việc cân đối nguồn cung và giá cả.
Vẫn theo ông Huy, chất lượng cà phê Robusta Việt Nam được đánh giá cao hơn so với các nước khác, góp phần giúp doanh nghiệp (DN) đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng 60-70% trong 4 tháng đầu năm 2025. Sự tăng trưởng này đến từ khối lượng xuất khẩu ổn định và giá cà phê xuất khẩu tăng. Với đà này dự báo ngành cà phê Việt Nam có thể thu về khoảng 7 tỷ USD trong năm 2025.
Vẫn đối diện nhiều rào cản
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành cà phê cần chủ động thích ứng với các thách thức như nguồn cung hạn chế, biến đổi khí hậu, quy định chống phá rừng (EUDR) từ EU. Theo đó, EUDR của EU đặt ra thách thức rất lớn. Cụ thể, các mặt hàng như cà phê, cao su, gỗ, ca cao… xuất khẩu vào EU phải truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không liên quan đến phá rừng sau ngày 31/12/2024. DN vi phạm có thể bị phạt tới 4% doanh thu và bị loại khỏi thị trường EU. Tuy nhiên, EU đã gia hạn thực thi EUDR thêm 12 tháng, lùi thời điểm áp dụng với DN lớn tới 30/12/2025 và DN nhỏ tới 30/6/2026, tạo cơ hội để các DN chuẩn bị.
Về việc này, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thẳng thắn cho hay, hệ thống bản đồ rừng của Việt Nam chưa được thống nhất giữa các tỉnh. Điều này gây khó khăn trong việc xác định các vùng cà phê an toàn để xuất khẩu sang EU. Ngoài ra, khoảng 15-20% diện tích cà phê tại Việt Nam vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm phức tạp thêm việc chứng minh tính hợp pháp theo quy định của EUDR.
Đề ra những giải pháp cho ngành cà phê, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng: Về lâu dài, để phát triển bền vững, ngành cà phê Việt cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch là yếu tố cốt lõi, với vai trò của DN trong việc chịu trách nhiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu sang EU. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, DN, người dân để đảm bảo tính minh bạch, đáp ứng đầy đủ quy định của EU.
Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số để giám sát và quản lý vùng trồng. Các giải pháp như sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hình ảnh vệ tinh có thể giúp theo dõi nguy cơ phá rừng, đảm bảo cà phê xuất khẩu không liên quan đến các hoạt động phá rừng sau năm 2020. Nâng cao nhận thức và năng lực cho nông dân, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cần được triển khai để giúp nông dân áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và môi trường.