Liên tiếp trong những tháng gần đây, giá heo hơi sụt giảm mạnh và hiện nằm ở mức đáy, thấp nhất trong 2 năm qua. Giá heo hơi ngày 15/3 tiếp tục duy trì mức giá thấp, thị trường giao dịch khá trầm lắng. Hiện giá heo hơi cả nước dao động trong khoảng 46.000 - 52.000 đồng/kg.
Với mức giá này, người chăn nuôi gần như kiệt quệ vì thua lỗ. Tại miền Bắc, nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ cho biết, với mức giá này họ không dám tái đàn, tăng đàn. Với những hộ chăn nuôi khép kín chủ động con giống và một phần thức ăn chăn nuôi thì hòa vốn hoặc lãi ít. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đi mua con giống, với giá thức ăn chăn nuôi tăng như hiện nay, mỗi kỳ xuất chuồng lỗ khoảng 1 triệu đồng/con.
Vì vậy, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh. Trước đó, cuối tháng 2/2023, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị nội dung tương tự.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngành chăn nuôi của Việt Nam đã và đang chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (AFS), dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu trên toàn cầu, dẫn tới chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục trong một thời gian dài khiến giá thành sản xuất chăn nuôi rất cao.
Cùng lúc đó, kinh tế trong nước cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan dẫn tới nhu cầu của người dân giảm mạnh, giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường lao dốc, gây thua lỗ lớn cho toàn ngành.
Trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là loại nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 về lượng, hiện khoảng 5 triệu tấn/năm. Theo ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giá khô đậu tương đã tăng liên tục đến 60 - 70% do ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, thời tiết và địa chính trị xảy ra trên toàn cầu. Khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sản lượng nhập khẩu về Việt Nam đứng thứ 2, nhưng lại có kim ngạch lớn nhất do giá thành nhập khẩu khô đậu tương cao hơn bắp (ngô) khoảng 70%. Việc giá thành sản xuất tăng cao trong điều kiện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đã khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất và chăn nuôi phải dừng hoạt động.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn cả nước phát triển tốt, ước tổng đàn lợn đạt hơn 28,6 triệu con, tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng. Hiện, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng 38% so với cùng kỳ và gấp đôi so với mức chi phí năm 2020, ảnh hưởng đáng kể đến không chỉ các trang trại hộ gia đình mà còn cả các trang trại thương mại vì chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% tổng chi phí chăn nuôi...
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần chuẩn bị sẵn sàng chuồng trại, con giống và theo dõi sát sao tín hiệu của thị trường khi giá lợn hơi có chiều hướng tăng lên sẽ có kế hoạch tái đàn, tăng đàn phù hợp gắn với các biện pháp phòng chống dịch bệnh an toàn, hiệu quả.