Ngành dệt may đề nghị được mua, tiêm vaccine

QUỐC ĐỊNH 26/05/2021 08:30

Tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài đã đem đến những khó khăn chưa từng có cho nhiều ngành, trong đó có thời trang và dệt may.

Một trong những thách thức lớn cần giải quyết trong chuỗi cung ứng thời trang tại Việt Nam là làm thế nào để có thể thu hút được đủ đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU.

Ngành dệt may có thể thiệt hại hàng tỷ USD nếu sản xuất bị ngưng trệ.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) mới có văn bản kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dệt may mua tiêm vaccine Covid-19. Vitas có lưu ý, một DN chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 đến 21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn, DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập.

Nhất là hiện nay, với các DN dệt may, thời trang đã ký kết đơn hàng, nhiều DN đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

Tuy vậy, cũng không ít DN nhận định, thương hiệu thời trang Việt đang có cơ hội hết sức đặc biệt để phát triển kinh doanh trong quá trình phục hồi từ Covid-19. Đây là cơ hội để ngành thời trang Việt xem xét lại mô hình kinh doanh và xác định phương cách để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Theo giới chuyên gia, để cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các DN dệt may, thời trang Việt cần nâng cấp năng lực sản xuất cũng như cập nhật các xu hướng, nhu cầu mua sắm của khách hàng tiềm năng quốc tế. Nhất là cần phản ứng nhanh với thị trường, cập nhật xu hướng thường xuyên, nâng cao dịch vụ hậu cần.

Hơn thế nữa, bên cạnh một số giải pháp hỗ trợ vượt khó từ Chính phủ thì những bất cập trong khâu chính sách thuế, thủ tục hải quan có liên quan trực tiếp đến ngành dệt may, thời trang Việt cũng cần được sớm gỡ vướng.

Cụ thể là hôm 12/5 phía Vitas đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan về kiến nghị của các DN dệt may trên cả nước về các vướng mắc chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021, thay thế cho Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016.

Băn khoăn về tính bất cập khi thực hiện Nghị định mới này chính là DN nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho DN sản xuất, xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, DN nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy một đối tượng hàng hóa cả 2 DN đều phải nộp thuế.

Trong khi đó, thực tế hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật thuế xuất nhập khẩu phải được miễn thuế.

Theo Vitas, vấn đề nộp thuế ngay sau đó được hoàn lại khi chứng minh là thực sự xuất khẩu gây khó khăn rất lớn cho DN, vì phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.

Không những vậy, Vitas nhấn mạnh điều đó còn làm tăng thủ tục hành chính cho cả DN lẫn cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế. Mặt khác, bất cập này dẫn đến không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành dệt may đề nghị được mua, tiêm vaccine