Ngành du lịch 'tìm đường' tăng tốc

Hoàng Minh 05/07/2023 20:53

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ và kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam.

Lịch sử phát triển du lịch Việt Nam được chính thức đánh dấu từ ngày 9/7/1960 với sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương. Qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng sự góp của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Việt Nam đã đón và phục vụ 250.000 lượt khách du lịch quốc tế năm 1990 thì đến năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách, tăng gấp 72 lần trong 29 năm. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục từ 1,0 triệu lượt năm 1990 đến 2019 đạt con số 85 triệu lượt. Sự tăng trưởng không ngừng về khách du lịch đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của Du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (2015: 6,3%; 2016: 6,9%; 2017: 7,9%; 2018: 8,3%; 2019: 9,2%).

Toàn cảnh Hội nghị. (ảnh: Xuân Thuỷ).

Tuy nhiên, đến năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch. Sau 2 năm trải qua đại dịch, ngành du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều kế hoạch của ngành du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu của ngành đều giảm mạnh. Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực về tài chính... Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tạo ra đột phá trong việc phát triển du lịch cũng như khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023, qua đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị. (ảnh Xuân Thuỷ)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt bày tỏ, Nghị quyết đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Cũng theo Thứ trưởng, Nghị quyết số 82/NQ-CP chính là sản phẩm đầu ra sau kết quả tổ chức thành công 2 Hội nghị lớn của ngành du lịch trong thời gian vừa qua (Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được tổ chức tháng 12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức ngày trong tháng 3/2023). Nghị quyết này tiếp tục là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với ngành Du lịch, sự chủ động, hành động quyết liệt, có trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và toàn thể nhân dân trong cả nước.

Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kêu gọi các doanh nghiệp du lịch tham gia triển khai các kế hoạch hành động. (ảnh: Xuân Thuỷ).

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng bày tỏ, Hiệp hội nhận thức sâu sắc đây là cơ hội to lớn cho ngành du lịch và cũng là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp du lịch cả nước. Với tinh thần đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Hoạt động này thể hiện sự thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, và sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thực thi đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về phát triển du lịch.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế.

Ông Vũ Thế Bình cũng cho biết, kế hoạch hành động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ gồm 8 nhiệm vụ trọng tâm: Cấu trúc lại doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; Phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới; Đa dạng hóa thị trường du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; Tăng cường liên kết trong kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch; Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành du lịch 'tìm đường' tăng tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO