Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, Sở GDĐT tỉnh Gia Lai đã xây dựng các kế hoạch, chương trình chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong cơ quan và ngành GDĐT.
Về hạ tầng CNTT, bằng nguồn kinh phí cơ quan và tài trợ của các chương trình dự án, thiết bị vi tính, hạ tầng mạng cơ quan đã được trang bị cơ bản đáp ứng yêu cầu làm việc, quản lý và điều hành. Đa số các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai giảng dạy môn Tin học, số lượng học sinh tham gia học môn Tin học 161.647/312.189 học sinh, trong đó: Cấp Tiểu học số trường đã tổ chức giảng dạy môn Tin học tự chọn đạt tỷ lệ 78,0%; cấp THCS đạt tỷ lệ 68,5%; cấp THPT đạt tỷ lệ 100%.
Hệ thống máy chiếu, tivi màn hình lớn hầu hết đều được trang bị ở các trường phổ thông phục vụ việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập. Việc đầu tư, lắp đặt Internet miễn phí cho các trường học trong các năm qua rất được các cơ quan chức năng, đơn vị tài trợ quan tâm toàn ngành đã có 91,5% cơ sở giáo dục được kết nối Internet băng thông rộng. Những đơn vị còn lại đều được kết nối Internet 4G với băng thông ổn định 25MB.
Bên cạnh đó, ngành GDĐT tỉnh Gia Lai đã triển khai sử dụng thống nhất hệ thống quản lý trường học SMAS từ năm học 2017-2018 ở tất cả các trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong thời gian qua, song song với việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GDĐT, Gia Lai đã từng bước triển khai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu các trường mầm non, phổ thông trên phần mềm SMAS để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục tại địa phương và đồng bộ sang hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ GDĐT quản lý.
Ngành Giáo dục Gia Lai xác định triển khai hệ thống quản lý trường học SMAS là điều kiện tiên quyết, ưu tiên thực hiện để triển khai công tác quản lý điều hành, đổi mới nội dụng, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá trong các cơ sở giáo dục. Cụ thể là sử dụng hệ thống SMAS triển khai công tác quản lý điều hành của trường học. Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục và đào tạo, vì đây cơ sở dữ liệu nền cơ bản nhất...
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QLVBĐH) đã được triển khai sử dụng ở Sở GDĐT, 53 đơn vị trực thuộc Sở, 17 phòng GDĐT, 13 trung tâm GDNN-GDTX các huyện, 259 trường mầm non, tiểu học và THCS trực thuộc phòng GDĐT. Đến nay, nhiều đơn vị sử dụng hệ thống QLVBĐH được đấu nối đưa lên trục liên thông văn bản để đơn vị chủ động trao đổi, tiếp nhận với các cơ quan bên ngoài. Việc triển khai sử dụng hệ thống QLVBĐH trong việc tiếp nhận, gửi văn bản điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu thời gian xử lý, tiết kiệm chi phí giấy tờ, được các đơn vị đánh giá cao trong công tác quản lý điều hành giữa Sở với phòng, trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) theo kế hoạch của tỉnh.
Trước đây và trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, việc triển khai họp, tập huấn giữa Sở GDĐT với phòng GDĐT, đơn vị trực thuộc Sở, trung tâm GDNN-GDTX đã được thực hiện trực tuyến, bước đầu đã mang lại hiệu quả trong tiết kiện chi phí và thời gian đi lại của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở cơ sở.
Nhằm triển khai tốt công tác quản lý trường học, Sở GDĐT đã ký Thỏa thuận hợp tác với Viettel Gia Lai trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển hệ thống, hệ sinh thái trong các trường học. Phần mềm sử dụng đầy đủ các chức năng, hỗ trợ công tác quản lý điều hành của nhà trường, đồng bộ, liên thông ở tất cả các cấp học. Tin học hóa quản lý một cách toàn diện, thống nhất từ các cơ sở giáo dục đến cơ quan quản lý phòng GDĐT, Sở GDĐT.
Đặc biệt, đầu năm học 2021-2022, khi dịch Covid-19 còn phức tạp, Sở GDĐT phối hợp với phụ huynh triển khai các hoạt động giáo dục trực tuyến, đặc biệt đối với học sinh tiểu học. Đảm bảo tổ chức dạy, học trực tuyến an toàn và hiệu quả trên môi trường mạng. Triển khai cho cán bộ, giáo viên tham gia sâu rộng Cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử” do Bộ GDĐT tổ chức, nhằm góp phần xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục có chất lượng phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học.
Thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai tiếp tục hướng dẫn các đơn vị rà soát và hoàn thiện quy chế quản lý, vận hành và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT. Tổ chức đánh giá, công bố chỉ số chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục. Từ đó có hình thức khen thưởng đối với đơn vị, cá nhân triển khai ứng dựng CNTT có hiệu quả.