Mới đây, Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 2159/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Cụ thể, thời gian tố chức khai giảng vào ngày 5/9/2022; tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng; riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
Ngành Giáo dục tỉnh Gia lai phát huy những kết quả nổi bật trong năm học 2021 - 2022, cụ thể: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 98,33% (tăng 0,48 %) so với năm 2021. Riêng khối THPT đạt 99,32%; xếp vị trí thứ 43 trong cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2021. Kỳ thi Học sinh Giỏi quốc gia năm học 2021 - 2022, kết quả có 28/58 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải (1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba và 16 giải Khuyến Khích); đứng thứ hai trong các tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ tư trong các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong tỉnh. Xây dựng, tham mưu Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả 2 dự thảo đã được Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tham vấn, lấy ý kiến của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và tổ chức hội nghị toàn tỉnh để thống nhất, ký duyệt triển khai.
Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục Mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 29/1/2022; thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 29/1/2022.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Khuyến khích giáo viên và cán bộ quản lý tăng cường tự bồi dưỡng, tham gia hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường để cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Triển khai các nội dung cụ thể kèm theo Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 6/10/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020.
Rà soát cơ sở vật chất, sửa chữa và bảo quản để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cho việc dạy và học. Ưu tiên ngân sách, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục. Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông và bám sát lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Huy động tối đa mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
Để đảm bảo mục tiêu đổi mới giáo dục theo quan điểm “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và tránh dư luận xã hội hiểu sai về Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị tuyên truyền Danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GDĐT phê duyệt. Tổ chức các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo quy trình tại Thông tư số 25; Rà soát, đánh giá việc sử dụng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sau một năm sử dụng; điều chỉnh, bổ sung Danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6. Thông báo giá sách giáo khoa và tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GDĐT, Sở GDĐT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Để giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đầy khó khăn thử thách, đồng thời trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều hành và hoạt động chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đối với các đơn vị trực thuộc Sở, các phòng giáo dục và đào tạo nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Đối với Giáo dục dân tộc: Rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS, đối với trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức ăn, ở cho đối tượng học sinh quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ở các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đáp ứng cơ bản yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Về đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đang triển khai công tác bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… Trong đó đặc biệt chú ý công tác tập huấn cho đội ngũ nhà giáo trực tiếp đứng lớp đối với các khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới trong năm học sắp tới. Theo đó, ngành tập trung triển khai các nội dung chuyên sâu theo nhiều hình thức khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức của đội ngũ nhà giáo trước năm học mới. Có thể khẳng định, đến thời điểm này công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, đội ngũ giáo viên… trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được chuẩn bị chu đáo.
Với sự quan tâm về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền, cùng với những kết quả đạt được trong năm học vừa qua và sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ sẽ là cơ sở để ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ trong năm học 2022 - 2023.