Kinh tế

Ngành gỗ mở rộng và đa dạng hóa thị trường

Khanh Lê 29/04/2025 10:39

Thay vì phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nhập khẩu, các doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, đặc biệt là các loại gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Cùng với đó, ngành gỗ Việt Nam đang tích cực mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

tren.jpg
Chủ động nguồn gỗ nguyên liệu nội địa sẽ giúp doanh nghiệp tăng sự cạnh tranh. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh phát triển nguyên liệu rừng trong nước

Nhận thức rõ sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất có thể mang lại rủi ro lớn, ngành gỗ Việt Nam đang tích cực mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh Mỹ, các DN đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia…

Cùng với giải pháp về thị trường, một trong những giải pháp then chốt mà ngành gỗ Việt Nam đang tập trung thực hiện là tăng cường tính chủ động với nguồn cung nguyên liệu. Theo đó, thay vì phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nhập khẩu, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, đặc biệt là các loại gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Thống kê từ Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, đến cuối năm 2024, diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC đã đạt hơn 400.000 ha và mục tiêu hướng tới của ngành là 1 triệu ha vào năm 2030.

Đặc biệt, trong Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Đồng thời, trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Với việc triển khai các giải pháp này không chỉ giúp các DN giảm thiểu rủi ro liên quan đến nguồn gốc gỗ, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ và các thị trường khác, mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ. Thay vì xuất khẩu các sản phẩm thô hoặc sơ chế, các công ty đang tập trung vào sản xuất đồ nội thất, ván sàn, gỗ ghép thanh và các sản phẩm có thiết kế tinh xảo, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng Mỹ. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giảm thiểu tác động của thuế quan tính trên giá trị sản phẩm. Minh chứng từ thực tế cho thấy đến nay, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã khẳng định vị thế vững chắc trên bản đồ thương mại toàn cầu, không chỉ với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng mà còn nhờ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất và cung ứng đồ gỗ, nội thất hàng đầu thế giới. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đa dạng về mẫu mã, được các thị trường ưa chuộng.

Chủ động thích ứng với yêu cầu mới

Theo Cục Lâm nghiệp, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của DN trong ngành. Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Mỹ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, yêu cầu DN Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.

Tiếp theo là thị trường EU, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng. Tuy nhiên, các DN sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC). "Tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính", ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Pháp - đại diện Hiệp hội gỗ Đồng Nai cũng cho rằng, việc ngày càng nhiều DN gỗ đạt chứng chỉ FSC-CoC đã giúp giảm thiểu rủi ro từ các quy định khắt khe của Mỹ và EU, mở rộng cánh cửa xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành gỗ mở rộng và đa dạng hóa thị trường