Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ngành học mới. Thí sinh nên lựa chọn ngành truyền thống hay ngành “hot”, ngành xu hướng - luôn là câu hỏi “rối não” không dễ trả lời.
Thêm nhiều lựa chọn
Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến tuyển sinh 2 ngành mới trong năm 2024, gồm Kỹ thuật thiết kế vi mạch và Tâm lý học giáo dục; nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 45. Trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh là tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển; xét tuyển bằng học bạ THPT; xét điểm thi THPT 2024; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Cũng đón đầu xu thế khi mở ra các ngành đào tạo mới, năm 2024, hàng loạt trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng thông tin về các ngành học mới. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng mở chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch (ngành Điện tử viễn thông). Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng mở 2 chuyên ngành: Công nghệ ô tô điện thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô; Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo.
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng dự kiến mở nhiều ngành, chương trình mới, trong đó có Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng. Tổng chỉ tiêu của nhà trường năm nay là 4.329 sinh viên, tăng gần 700 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Hàng loạt trường mở ra các ngành mới, trong đó có những ngành đang được dự báo thiếu nhân lực. Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%. Dự báo, 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 20.000 người trình độ từ ĐH trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Con số này cho thấy, thí sinh học, tốt nghiệp ngành này có cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Không nên chọn ngànhtheo số đông
Đến thời điểm hiện tại, hơn 100 trường ĐH đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2024 với thông báo thời gian và điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển cụ thể. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua kỳ tuyển sinh ĐH trong năm 2022 và 2023 cho thấy, có những nhóm ngành học luôn giữ vị trí top cao trong bảng thống kê kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực. Như những ngành thuộc lĩnh vực kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, vượt xa các lĩnh vực khác với 23,57% tỷ lệ thí sinh đăng ký năm 2023 và 24,54% năm 2022.
Vị trí tiếp theo nhận được quan tâm từ thí sinh là các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật… Những ngành học được thí sinh quan tâm hàng năm còn có khối ngành Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học xã hội và hành vi, Kỹ thuật, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Pháp luật, Du lịch, Kiến trúc và xây dựng, Báo chí và thông tin, Nghệ thuật, Sản xuất và chế biến...
Mùa tuyển sinh năm nay, liệu thí sinh có nên tiếp tục lựa chọn các ngành hot của các năm trước hay thử sức với những ngành học mới được cho là bắt kịp xu hướng trong nước và quốc tế? Câu hỏi này theo các chuyên gia là phụ thuộc vào năng lực và sự phù hợp của từng thí sinh với ngành nghề đó.
TS Lê Văn Tường Lâm - quyền Trưởng Ban Đào tạo và công tác sinh viên, ĐH Huế đưa ra lời khuyên với các thí sinh, khi chọn ngành chọn nghề đừng nghe theo số đông. Có những ngành nghề thu nhập cao nhưng chưa chắc đã phù hợp năng lực của mình. Ví dụ như hiện ngành Thiết kế vi mạch đang được loạt các trường mở ra nhưng nếu không thực sự giỏi Toán, Lý... thì rất khó theo đuổi. Ngược lại, nếu chọn những ngành có thể gọi là khó hơn, hóc búa hơn, ít người theo đuổi, nhưng nếu các em là chuyên gia trong lĩnh vực đó thì cơ hội phát triển cũng rất lớn.
Dự báo về những ngành nghề “hot” trong năm nay, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho rằng, đó sẽ là các ngành như Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ ô tô điện, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Digital Marketing… Lý do là vì tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ ở hiện tại và cũng như trong tương lai.
Đây cũng là dự báo chung của nhiều chuyên gia tuyển sinh về xu thế ngành “hot” trong thời gian này. Tuy nhiên, để đảm bảo không thất nghiệp sau khi ra trường, chỉ riêng việc chọn đúng ngành đang “khát” nhu cầu nhân lực là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự phù hợp, năng lực, kỹ năng của mỗi người học. Doanh nghiệp sẽ chỉ trải thảm đỏ để thu hút nhân tài còn với những cử nhân, kỹ sư dù sở hữu tấm bằng “hot” nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng yếu hoặc không bắt nhịp được với yêu cầu của công việc đặt ra thì dù kết quả học tập trong trường tốt cũng sẽ khó lòng bám trụ với nghề.
Thái độ tốt, kỹ năng tốt quyết định cơ hội phát triển
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa chia sẻ, có rất nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng không phải cứ ngành “hot” thì cơ hội phát triển sẽ tốt hơn các ngành khác. Khi chọn ngành, thí sinh nên căn cứ vào năng khiếu, năng lực của bản thân, đồng thời xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường hiện tại ra sao. Trong xu hướng liên ngành hiện nay, nếu các em có thái độ, kỹ năng tốt thì dù làm việc ở ngành nào cơ hội phát triển cũng đều rất lớn. Nếu chọn ngành sai, nhưng nếu các em biết trau dồi về kiến thức, kỹ năng, thì vẫn có thể đáp ứng với sự thay đổi của bất kỳ ngành nào.