Ngành khoa học cơ bản: Giải bài toán ‘3 khó’

Thu Hương 04/10/2021 06:30

Khó tuyển sinh, khó học và khó xin việc, mức lương thấp là vấn đề cấp bách cần giải quyết để những ngành khoa học cơ bản vốn đóng vai trò là nền tảng để phát triển các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật,… không phải trầy trật thu hút thí sinh.

Nghịch lý ngành đặc thù

Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận những mốc điểm chuẩn kỷ lục của các ngành “hot”. Nhưng những ngành khoa học cơ bản dù các trường đã thu hẹp quy mô đào tạo vẫn trầy trật tuyển sinh với điểm số trúng tuyển “vừa hay qua sàn”.

Năm nay, điểm chuẩn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) dao động từ 18-26,6 điểm. Mặc dù nhà trường cho biết không xét tuyển bổ sung do đã đủ chỉ tiêu song một số ngành đặc thù vốn là thế mạnh của trường lấy điểm chuẩn ở mức 18 điểm như Khí tượng và khí hậu, Hải dương học,... trong khi mức 26,6 dành cho ngành Máy tính và Khoa học thông tin.

Tương tự, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, nhóm ngành khoa học cơ bản vốn là truyền thống đào tạo của trường, điểm chuẩn chỉ ở mức 5 điểm/môn trong khi các ngành học “hot” đều tăng cao so với năm 2020. Đơn cử như ngành Quản trị kinh doanh 25,75 điểm, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 25 điểm…

Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng phân ra 2 nhóm điểm chuẩn là các ngành đặc thù của trường gồm ngành Địa chất học, Địa tin học, Khoa học dữ liệu… ở mức 5 - 6 điểm/môn trong khi Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa,… cao hơn nhiều.

Tại sao có nghịch lý này xảy ra?

GS TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra thực tế tuyển sinh nhiều năm nay ở một số ngành khoa học cơ bản tại trường mình và một số trường khác. Đó là mặt bằng chung điểm thi, điểm chuẩn vào các trường luôn ổn định. Chỉ số ít ngành và chương trình đào tạo có sức hút đối với thí sinh.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, 5 ngành có tỷ lệ nhập học thấp nhất là khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ xã hội, khoa học và sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường.

Xã hội cần gì, trường đào tạo đó nên không ngạc nhiên khi những ngành “hot” không phải là thế mạnh của trường lại có mức điểm chuẩn cao ngất ngưởng trong khi ngành đặc thù chỉ 5, 6 điểm/môn đã đỗ đại học.

Bên cạnh nguyên nhân thí sinh không mặn mà với các ngành học khoa học cơ bản vì… tên gọi khó định hình công việc sau này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ngay cả khi đi sâu vào tìm hiểu, nhiều thí sinh cũng e dè vì nếu theo học những ngành này đòi hỏi người học không chỉ có sở thích mà cần năng lực học tập tốt vì khối lượng kiến thức cần hấp thụ không nhỏ.

Tạo sức hấp dẫn mới

Nhiều đề xuất đã được các nhà khoa học, các trường chỉ ra để hút thí sinh quan tâm đăng ký vào nhóm ngành khoa học cơ bản.

Trong đó, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn sắp tới phải được các đơn vị liên quan làm thật cẩn trọng, chính xác và thông báo rộng rãi để toàn dân được biết. Bởi có nhiều ngành trong nhóm khoa học cơ bản đang có nhu cầu lớn, thu nhập rất tốt nhưng không được nhiều người biết đến.

PGS. TS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, hơn bao giờ hết nhu cầu nhân lực cao về Vật lý đang là cơ hội và cũng là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhiều cơ hội việc làm rộng mở ở các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đối với nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này chờ các tân sinh viên khám phá.

Như vậy, nếu có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực công khai, chắc chắn việc tuyên truyền, định hướng người học của các trường sẽ tốt hơn.

Thứ hai, “hữu xạ tự nhiên hương” là yêu cầu đặt ra với không chỉ nhóm ngành khoa học cơ bản mà với tất cả các chương trình đào tạo của khối đại học, cao đẳng hay các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Các khoa, trường đại học cần nắm bắt cơ hội để khẳng định vị thế và khôi phục uy tín, tạo sức hấp dẫn với người học. Trong đó, có thể kể đến việc “làm mới” các ngành học không chỉ ở tên gọi mà chính là ở việc bắt nhịp với yêu cầu của xã hội. Đơn cử, các trường có thể mở thêm các ngành mới dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học cơ bản vào các lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có các ngành mới như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và Tin học, Quản lý Phát triển đô thị và Bất động sản, Khoa học và Công nghệ thực phẩm,... dù mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020 nhưng được người học đón nhận khá tốt bởi tính ứng dụng thực tiễn, đào tạo liên ngành nên có khả năng làm đa dạng trong nhiều lĩnh vực, các vị trí khác nhau.

Một vấn đề nữa đặt ra đó là dù vẫn tuyển sinh được nhưng các ngành khoa học cơ bản chưa thu hút được nhiều học sinh có lực học xuất sắc. Điểm đầu vào thấp khiến các trường gặp nhiều khó khăn cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Trong khi đó mục tiêu của Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong bốn lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học Trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025 cần nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Vì vậy, bài toán đặt ra không chỉ là tuyển đủ, tuyển hết chỉ tiêu mà các ngành khoa học cơ bản còn cần những thí sinh chất lượng, yêu thích và có khả năng nghiên cứu, định hướng rõ ràng về con đường đi sắp tới của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành khoa học cơ bản: Giải bài toán ‘3 khó’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO