Ngày 23/7, Viện KSND tối cao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V, tại Hà Nội. Tới dự buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà ngành Kiểm sát đã đạt được trong những năm qua, đồng thời căn dặn phải làm tốt chức năng công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất
cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Ảnh:Nguyễn Khang
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, là một khâu quan trọng trong quá trình tố tụng, hoạt động của ngành kiểm sát là sự khẳng định kết quả của quá trình điều tra và tạo tiền đề đúng đắn cho quá trình xét xử. Theo đó, hàng năm, Viện Kiểm sát các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố đúng người, đúng tội hàng chục nghìn vụ án hình sự, với hàng trăm nghìn bị can. Trong số đó có các vụ án tình báo, gián điệp, phản động, xâm phạm an ninh quốc gia, nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy...
Để xây dựng một nền tư pháp tiến bộ, hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS đã được mở rộng hơn, bắt đầu từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và xuyên suốt quá trình tố tụng. Theo đó, chất lượng truy tố đã cao hơn, cáo trạng và bản luận tội đã sắc bén hơn, có tác dụng xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm. Cùng với đó, việc thực hiện quyền công tố được gắn với hoạt động điều tra ngày càng công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa.
Trong những năm qua, trách nhiệm thực hiện quyền công tố của ngành kiểm sát đã được nâng lên rõ rệt, từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Đáng chú ý, lãnh đạo và kiểm sát viên các cấp đã nâng cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, để đảm bảo việc áp dụng biện pháp ngăn chặn có căn cứ, đúng pháp luật.
Trong 5 năm, VKS các cấp đã không phê chuẩn 532 lệnh bắt khẩn cấp, 1.862 lệnh tạm giam và lệnh bắt tạm giam bị can, không gia hạn tạm giam 128 bị can, yêu cầu bắt tạm giam 439 bị can... Số lượng người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển sang xử lý hành chính hoặc trả tự do giảm dần, chỉ tính riêng năm 2014 chiếm tỷ lệ 1,8%.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngành kiểm sát đã tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần và nội dung Hiến pháp 2013 là bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Theo đó VKS các cấp đã kiểm sát chặt chẽ hơn các hoạt động tư pháp để đảm bảo công lý được thực thi, không làm oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh việc kiểm sát điều tra, xét xử để đảm bảo đúng người, đúng tội, VKS các cấp đã chú trọng kiểm sát việc thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam để đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm phạm.
Trong nỗ lực nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ theo tinh thần Hiến pháp 2013, VKS các cấp cũng đã hết sức thận trọng đối với việc phê chuẩn các quyết định tố tụng, nhất là các quyết định liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nhiều vụ án oan, sai, vi phạm pháp luật đã được ngành kiểm sát phát hiện, kháng nghị, kiến nghị khắc phục sai sót, xử lý nghiêm minh vi phạm, trả lại tự do và danh dự cho người bị oan được dư luận đánh giá cao như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ Vũ Ngọc Dương ở Hà Nội...
Với những thành tích đã đạt được, Viện KSND tối cao đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hai đơn vị là Viện KSND TP Hà Nội và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những thành tích đã đạt được trong những năm qua của ngành Kiểm sát, đồng thời căn dặn cán bộ ngành Kiểm sát không được tự thỏa mãn mà phải tiếp tục rèn luyện đức tài để đảm bảo làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
“Bảo đảm mọi tội phạm bị phát hiện phải được khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh; các quyết định của cơ quan tư pháp phải có căn cứ và đúng pháp luật, bảo đảm không xảy ra oan, sai, đồng thời không bỏ lọt tội phạm, tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.