Giấc mơ nội địa hóa ngành ô tô của Việt Nam dường như sắp thành hiện thực? Đó là vấn đề được dư luận xã hội đang rất quan tâm kể từ sau thời điểm Việt Nam và Nga ký kết một Nghị định thư hợp tác trong sản xuất ô tô vừa diễn ra mới đây.
Ảnh minh họa.
Việt Nam bắt đầu nhen nhóm giấc mơ có thể tự sản xuất được những chiếc xe “made in Việt Nam” chính hiệu kể từ thời điểm hãng xe Toyota của Nhật Bản chính thức bước chân vào thị trường ô tô của Việt Nam từ năm 1995. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, đã hơn hai mươi năm, tỷ lệ nội địa hóa ô tô của Việt Nam dường như chỉ ở vạch xuất phát: Theo đó, tỷ lệ nội địa hóa ô-tô con (loại 4-7 chỗ) của Việt Nam mới chỉ đạt… 15% trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng cũng chỉ đạt khoảng 30% - 40% và chủ yếu chỉ tập trung ở những chi tiết, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp…
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô và biến ngành công nghiệp này trở thành ngành mũi nhọn vào năm 2018 kể như thất bại.
Mổ xẻ nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, lý do chính yếu là bởi CN phụ trợ của Việt Nam còn quá yếu, chưa thể đáp ứng được những yêu cầu đối với một ngành công nghiệp đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao như ngành công nghiệp ô tô. Theo đại diện công ty Ford Việt Nam, các DN, nhà máy sản xuất ô tô của Việt Nam mới chỉ cung cấp được những sản phẩm đơn giản, khó có thể đáp ứng yêu cầu về hàm lượng công nghệ cao của ngành công nghiệp này. Đây là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa thể thực hiện được giấc mơ nội địa hóa ô tô. Cụ thể hơn, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, công suất của chúng ta chỉ đạt mức 5.000 xe/ năm, trong khi công suất của Thái Lan là 2 triệu xe/ năm, thì rất khó để vươn tới được một ngành công nghiệp ô tô mũi nhọn.
Tuy nhiên, sự kiện ký kết giữa Việt Nam và Nga trong việc liên kết sản xuất ô tô mới đây đang đặt ra những kỳ vọng mới cho ngành ô tô trong nước. Cụ thể, ngày 21-3 vừa qua, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và người đồng cấp Nga Denis Valentinovich Manturov đã chính thức ký Nghị định thư Hợp tác về ô tô. Trước đó, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA) mà Nga là một thành viên.
Theo Nghị định hợp tác về ô tô, các DN sản xuất của Nga (Kamaz, Gaz, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Sự liên kết này dường như đang nhen nhóm lên ngọn lửa tưởng chừng như đã “tắt lịm” của Việt Nam, đó là giấc mơ nội địa hóa và đưa ngành ô tô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Nói như Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: “Đã từ lâu, Việt Nam luôn mong muốn có được sản phẩm ô tô sản xuất tại Việt Nam với hàm lượng nội địa hóa đáng kể”. Do đó, theo người đứng đầu ngành công thương, việc thiết lập các dự án liên doanh lắp ráp sản xuất phương tiện vận tải tại Việt Nam, ngoài ý nghĩa là một phần của FTA Việt Nam ký với EAEC hồi tháng 5/2015, còn là việc rất có ý nghĩa đối với quy hoạch chiến lược ngành ôtô của Việt Nam.
Giới chuyên gia trong ngành cũng bày tỏ tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa Nga và Việt Nam ở lĩnh vực này sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành ô tô của Việt Nam, bởi Nga vốn đã là một đối tác thân thiết của Việt Nam nên nhiều khả năng, khi liên doanh với nước ta, họ còn chuyển giao công nghệ sản xuất vào trong nước – điều mà lâu nay ít có DN FDI nào thực hiện. Và từ đây, giấc mơ nội địa hóa ngành ô tô của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trở thành hiện thực.