Kinh tế

Ngành rau quả tìm cách mở rộng thị trường

Khanh Lê 08/03/2024 07:27

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 970 triệu USD, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng cả năm 2024 có thể đạt 6,5 - 7 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6 tỷ USD.

anhtren.jpg
Xuất khẩu sầu riêng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh những tháng đầu năm. Ảnh: Tuệ Minh.

Sầu riêng - mặt hàng chiến lược

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sở dĩ rau quả tăng trưởng tốt do nhu cầu hàng hóa cho Tết Nguyên đán của Trung Quốc tăng cao và sự đóng góp mạnh mẽ của mặt hàng sầu riêng. Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2023, chủng loại quả đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là trái sầu riêng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022. Năm 2023, với sản lượng xuất khẩu hơn 500.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp.

2 tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt vẫn "một mình một chợ" tại thị trường Trung Quốc, bởi hiện không phải là mùa thu hoạch trái sầu riêng tại Thái Lan và Malaysia. Tại Việt Nam, sầu riêng trái vụ được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây, trong đó Tiền Giang có diện tích lớn nhất, nên thời điểm này vẫn có sầu riêng thu hoạch và xuất khẩu.

Việt Nam hiện đã xuất khẩu sầu riêng tới hơn 20 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm qua tăng cao, đã góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD ngành rau quả.

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, doanh nghiệp (DN) đã kín đơn hàng, nhưng hiện nay sầu riêng đã vào cuối vụ nên không đủ số lượng cho nhiều thị trường, đang phải đợi sầu riêng chính vụ vào tháng 5 tới.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, với 876 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp. Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Hướng đến kim ngạch 7 tỷ USD

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mặc dù sự kiện Biển Đỏ gây nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ nhưng sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, nhất là mặt hàng sầu riêng, thanh long, mít, chuối, xoài… Đặc biệt, dừa trái hứa hẹn cho kim ngạch từ 500-600 triệu USD nếu Nghị định thư được ký kết.

“Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, có thể là 6,5 - 7 tỷ USD. Để đón đầu cho các sản phẩm sẽ được ký Nghị định thư như chanh dây, bơ, dừa và sầu riêng đông lạnh, các DN đã có bước chuẩn bị” - ông Nguyên cho hay.

Thông tin từ nhiều DN cho biết, đơn hàng xuất khẩu rau quả đã kín lịch đầu năm 2024. Ngay từ những ngày đầu năm Giáp Thìn, lô vú sữa đã được xuất khẩu thành công sang Mỹ; thanh long sang Trung Quốc hay mới đây nhất, tại Hải Dương lô hàng xuất khẩu cà rốt đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong năm 2024 mặc dù tiềm ẩn một số khó khăn, nhưng vẫn có nhiều thuận lợi. Cụ thể, tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… trái cây của Việt Nam có chất lượng tốt, mang hương vị riêng, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỷ dân sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam.

Là một trong những DN xuất khẩu nhiều sản phẩm trái cây chủ lực ra thị trường thế giới, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group cũng nhận định, tuy có những khó khăn, nhưng thị trường đang rất tốt và có nhiều thuận lợi.

“Thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Qua quá trình làm việc với các tập đoàn của Trung Quốc, Ameii nhận thấy sản phẩm sầu riêng chế biến có nhiều tiềm năng gia tăng kim ngạch” - ông Tiến chia sẻ.

Về kết quả cũng như triển vọng cho thị trường xuất khẩu rau quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành rau quả có được thành quả trên do trong năm 2023, Việt Nam đã hoàn thiện nhiều “visa” cho nhiều loại trái cây được phép xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Đây chính là nhân tố quyết định để trái cây Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Vì vậy, năm 2024 sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thêm nhiều thị trường mới cho xuất khẩu rau quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành rau quả tìm cách mở rộng thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO