Ngày 13/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã có cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU và nêu 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện để gỡ “Thẻ vàng”. Phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và rút xuống còn 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới.
Kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt. Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.
Từ năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế; tuy nhiên, kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC thường xuyên được Bộ cập nhật, báo cáo EC. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên 10 đoàn công tác đi kiểm tra tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Trao đổi tại cuộc họp, một số địa phương cho rằng, cần sớm sửa Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Hiện mức phạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng đối với tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đây là mức phạt khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề là phải tổ chức xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc EC đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam và đời sống của bà con ngư dân; ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước chúng ta gỡ “thẻ vàng” và tuyệt đối không để nguy cơ bị “thẻ đỏ”.
“Chúng ta thực hiện tốt thì đời sống của bà con ngư dân được cải thiện, góp phần cải thiện hình ảnh đất nước. Chúng ta thực hiện tốt thì các chỉ tiêu kinh tế về xuất nhập khẩu, phát triển thủy sản tốt hơn. Nếu không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, để bị áp “thẻ đỏ” thì ảnh hưởng rất lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian qua, nước ta tập trung xây dựng hệ thống pháp luật về thủy sản đáp ứng được yêu cầu hội nhập, bảo đảm quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm (ban hành 1 luật, 2 nghị định, 10 thông tư và hàng trăm quy định, các văn bản hướng dẫn). Việc thực hiện có nhiều chuyển biến, ngư dân có ý thức hơn và số lượng tàu vi phạm giảm… Việc đầu tư, lắp đặt thiết bị VMS đạt kết quả tích cực; quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có tiến bộ. Cơ sở hạ tầng cảng biển được quan tâm đầu tư.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC; tuyệt đối không để tình trạng tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”.
Tính đến ngày 30/6/2021, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình là 26.915 tàu (đạt 87,45%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620 tàu, đạt 90,53%. Hiện cả nước có tổng cộng 49 cảng được chỉ định đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho tàu cá Việt Nam cập cảng bốc dỡ thủy sản.