Xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế đã gây ra sức ép lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vận tải, logistics. Trong thời điểm các doanh nghiệp nhen nhóm hồi phục sau dịch, việc giá xăng, dầu tăng cao thực sự khiến các doanh nghiệp mệt mỏi, không ít doanh nghiệp “nhụt chí” trong quá trình phục hồi…
Doanh nghiệp, người dân gồng mình
Ngay sau khi giá xăng tăng tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, xăng RON95 là 29.980 đồng và xăng RON95 V (loại xăng cao cấp) giá đã vượt 30.000 đồng, bà Nguyễn Thu Trang (59 tuổi – Nghệ An) thường xuyên di chuyển trên các tuyến xe khách đường dài chia sẻ: Giá vé xe khách đã tăng rồi, mà cũng chẳng biết xăng tăng tiếp thì mức giá vé hiện nay giữ được mấy hôm nữa.
Theo lời bà Trang mỗi lần từ Hà Nội về Vinh (Nghệ An) bà chọn hãng xe Văn Minh để di chuyển với giá vé xe 240.000 đồng/vé thì nay đã lên 280.000 đồng/vé chỉ cách nhau chừng 3 tháng.
Giá xăng tăng cũng lập tức ảnh hưởng tới tài xế xe công nghệ và cánh xe ôm. Sáng ngày 15/5, tại điểm chờ bến xe buýt Bến xe Kim Mã (Hà Nội), ông Văn Long – chạy xe ôm hơn 5 năm buồn bã chia sẻ: “Cánh trẻ khi muốn đi xe ôm thì đặt grab (xe ôm công nghệ) hết rồi, như ông đứng ở điểm chờ xe buýt cả ngày cũng có lác đác 2-3 khách là người già, người ở tỉnh ra.
“Chiếc xe wave 110 này giờ đổ đầy bình cũng phải gần 100.000 đồng, nhưng mà khách không có. Sáng có khách hỏi đi từ đây lên Bệnh viện Mắt, báo giá 35.000 đồng thì là bảo, họ cố chờ xe buýt để đi cho rẻ. Xăng tăng, khách ít, cuộc sống của chúng tôi đã khó lại càng khó!”- ông Long nói.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê:
Dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng từ 4 - 4,5%. Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng từ 5 - 5,5%, lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4%, tuy nhiên vẫn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.
Dựng xe chờ khách ngay cạnh ông Long, một người đàn ông trung niên cũng chạy xe ôm ở cổng Bến xe Kim Mã nói thêm: “Chờ bắt khách từ 9h30 sáng đến gần 11h trưa mà chưa có cuốc xe nào. Xăng tăng, khách đi xe ôm lại ngày càng ít, chẳng biết thời gian tới sẽ làm ăn thế nào”.
Khi giá xăng tăng, những người cần phải di chuyển như bà Nguyễn Thu Trang hay người phải mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm như ông Long cảm thấy bị tác động lớn.
Còn với những hãng xe lớn thì sao? Chi phí nhiên liệu xăng, dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng trong khi lượng khách đi xe giảm khiến kinh doanh thua lỗ. Việc tăng giá cước trong thời điểm này cũng phải tính toán nát óc vì người dân, DN cũng đang gặp khó khăn. Do đó, các DN cũng phải “liệu cơm gắp mắm” trong bối cảnh hiện nay để vượt qua khó khăn.
Chủ một nhà xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến Sơn La - Hà Nội chia sẻ, giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt DN vận tải hàng hóa vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Chưa kể, DN phải tăng chi phí phúc lợi mới giữ được chân người lao động. Hiện nay, trừ những ngày cuối tuần thì hàng ngày lượng khách đi được 50% công suất. Vì thế, chi phí để xe hoạt động, cả lượt đi và lượt về bị đội lên. Nghĩa là càng chạy càng lỗ. Tuy nhiên để duy trì thói quen cho hành khách hiện nhà xe hoạt động cầm chừng với 50% công suất và cho một nửa nhân sự nghỉ việc.
Tại bến xe Nước ngầm (Hoàng Mai, Hà Nội), một chủ xe chạy đường dài Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh chia sẻ, các chi phí nhiên liệu từ đầu năm liên tục tăng lên mà nhà xe cũng khó tăng giá vé. Thời điểm này khi du lịch phát triển, hoạt động vận tải được đẩy mạnh thì lại gặp trở ngại vì giá xăng, dầu tăng mạnh, DN vận tải trở tay không kịp.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, giá xăng dầu tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua và có thể còn tiếp tục tăng khiến các DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 35-40%, còn các loại xe khác chiếm trung bình khoảng 25%. Bên cạnh đó, DN còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT...
Việc giá xăng liên tục tăng từ đầu năm và nay đã chạm mốc 30.000 đồng/lít cũng ảnh hưởng rất lớn đến đến vận tải nói chung, trong đó có cả logistic. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô chia sẻ, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến DN nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics. Trước đây, mỗi container có giá hơn 5.000 USD/container nhưng nay tăng hơn 10.000 USD/container. Việc tăng giá liên tục gây sức ép lớn cho ngành vận tải dịch vụ logistics, buộc DN phải cắt giảm mọi chi phí để thích ứng, tồn tại.
Trong khi đó, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty quốc tế Delta, cho biết trong vận tải đường bộ, 40% cước phí là chi phí nhiên liệu, việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng trong thời gian ngắn đã làm tăng 13% cơ cấu chi phí của DN. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng rất mạnh đến DN khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5%.
Giảm sức cạnh tranh của hàng hóa
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37% thì khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Chưa kể, trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi, bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao lưu đi lại, giao thông vận tải, du lịch thì giá xăng tăng chính là trở ngại làm giảm tốc độ tăng trưởng, cạnh tranh của các mặt hàng.
Với những DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực vận tải logistics, giá xăng dầu tăng cao liên tục trong thời gian qua đã gây thiệt hại nặng đến doanh thu. Ông Phạm Xuân Việt - chủ một doanh nghiệp vận tải container tại Hải Phòng cho biết, theo thông lệ, từ đầu năm 2022 đã ký hợp đồng với khách hàng quen là không thay đổi giá cước trong cả năm…Do đó, khi xăng dầu tăng giá, “chỉ trừ những khách hàng vãng lai hoặc khách hàng lẻ chúng tôi mới có thể tăng giá được, nhưng cũng phải báo trước cho khách hàng, không phải muốn tăng là tăng” – ông Việt chia sẻ.
Trong hoạt động vận tải logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35% - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng. Cùng với đó mỗi đầu xe còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT…Còn trong mảng vận tải container biển, giá cước đã duy trì ở mức cao một thời gian. Do đó, dù giá xăng dầu tăng cao, tạm thời các hãng vận tải biển container chưa tăng giá cước. Thậm chí, một số hãng còn giảm nhẹ để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, sớm muộn các hãng tàu container cũng sẽ tăng giá cước theo xu hướng chung của toàn ngành logistics – một doanh nghiệp đại lý hãng tàu tại Hải Phòng cho biết.
Lo ngại giá sẽ “té nước theo mưa”
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, việc tiêu thụ xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng tiêu dùng. Do đó, việc giá xăng dầu tăng cao thường khiến các sản phẩm tiêu dùng khác phải tăng giá theo. Điều đó tác động ngay lập tức đến chi tiêu của từng hộ gia đình.
Và như đã trở thành quy luật, cứ giá xăng dầu tăng là nhiều mặt hàng tiêu dùng từ mớ rau đến cân thịt hay các mặt hàng chế biến sẵn đều từng bước tăng theo. Chịu tác động một cách trực tiếp, dịch vụ vận tải thường đi đầu trong các đợt xem xét điều chỉnh giá sau khi giá xăng tăng. Nói cách khác, chỉ cần giá xăng dầu tăng thì lập tức tác động “vòng trong vòng ngoài” đến đời sống của người dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, chưa cần tính toán đến lạm phát, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ tăng giá xăng dầu vì đó là bài toán điều hành của cơ quan quản lý, tuy nhiên, giá xăng tăng tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân.
Sau khi giá xăng biến động mạnh vào đầu năm 2022 đến nay và đạt đỉnh gần 30.000 đồng/lít, nhiều người tỏ ra lo lắng khi giá xăng dầu gây thêm áp lực chi tiêu. Anh Nguyễn Huy Hoàng (Hà Đông - Hà Nội) cho hay: “Từ đầu tuần này, tôi chuyển sang đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông để vừa giảm chi phí xăng dầu, vừa đỡ tắc đường”. Tuy nhiên, theo anh Hoàng, đi tàu điện sẽ mất thêm thời gian đi bộ từ nhà ra ga tàu và từ ga tàu về chỗ làm. Tuy nhiên, do công việc cố định, ít phải đi lại trong ngày nên tạm thời lựa chọn phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế. Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính và DN cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt khi giá dầu thế giới tăng cao, đồng thời, nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.
TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương):
Xăng dầu tăng tác động lớn đến lạm phát
Không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà tiêu dùng của người dân cũng bị tác động tiêu cực khi giá xăng dầu tăng liên tục và giữ ở mức cao. Thu nhập của người dân đã bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid -19, nếu không kiểm soát được lạm phát thì đời sống của người dân tiếp tục giảm xuống, tiêu dùng giảm tác động ngay đến hoạt động cả sản xuất lẫn kinh doanh.
Còn đối với sản xuất, ngành bị tác động tiêu cực nhất khi xăng dầu tăng giá là vận tải và đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản - đang thu hút hàng triệu lao động và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo quy luật kinh doanh, cước vận tải cao sẽ kéo dài và tác động kéo giá hàng hóa tiêu dùng toàn xã hội ở mức cao tương ứng. Nhiên liệu tăng giá đang trở thành nền tảng then chốt kiến tạo mặt bằng giá mới với mọi loại chi phí, hàng hóa trong xã hội.
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính:
Khả năng phục hồi kinh tế sẽ bị tác động
Xăng dầu là yếu tố đầu vào, cấu thành sản phẩm của nhiều ngành. Giá xăng dầu tác động đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Do vâỵ khả năng phục hồi sản xuất của các DN và tốc độ tăng trưởng kinh tế bị tác động nghiêm trọng.
T.Hằng(ghi)