Theo số liệu thống kế của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) lượng sách xuất bản năm 2022 đạt 598,9 triệu bản và bình quân, mỗi người Việt hưởng thụ 6,02 bản sách/năm.
Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,42%) với 598.938.423 bản (tăng 49,5%). Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.645 cuốn (tăng 11,5%) với 539.937.271 bản (tăng 54,2%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%) với ước tính khoảng 32.500.000 bản (tăng 30%). Số bản sách năm nay lên đến 598,9 triệu, đưa mức bình quân sách/người/năm lên mức 6,1 bản (trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên; 2,98 bản là các loại sách khác). Đây là mục tiêu của ngành đến năm 2025, tuy nhiên đã đạt được vào năm 2022. Đặc biệt, một số cuốn sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay được đã tái bản nhiều lần, in hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: “Đắc nhân tâm” in 750.500 bản (do NXB Tổng hợp TPHCM liên kết xuất bản với Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt), “Trên đường băng” in 590.000 bản, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” in 410.000 bản, (NXB Trẻ xuất bản); “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” in 365.000 bản (NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam), “Đọc vị bất kỳ ai: Để không bị lừa dối và lợi dụng” in 205.200 bản (do NXB Lao động liên kết xuất bản với Công ty Cổ phần Sách Thái Hà)...
Đáng chú ý, trong năm 2022, số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung bị xử lý đã giảm 16,7% so với năm 2021 và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số xuất bản phẩm được xuất bản. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 19 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử (tăng 72,7% so với năm 2021) góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần.
Đánh giá về kết quả đạt được, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022, ngành Xuất bản đã để ghi dấu ấn rõ nét khi tăng trưởng ở tất cả các chỉ số phát triển: Số lượng bản sách, số lượng đầu sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách...
Tuy nhiên, theo ông Nguyên, dù tăng trưởng mạnh về năng lực sản xuất nhưng quy mô, doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản tăng chưa tương xứng. Một số nhà xuất bản còn lượng sách tồn kho nhiều hoặc gặp khó khăn trong việc khai thác bản thảo. Sách có giá trị và có sức lan tỏa còn ít. “Trong thời gian tới, người làm xuất bản tiếp tục tìm giải pháp cho xuất bản điện tử, đề xuất một số giải pháp công nghệ cho ngành xuất bản... nhằm thúc đẩy phát triển xuất bản điện tử theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số” – ông Nguyên nhấn mạnh.