Tại Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ năm 2023-2028, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, gợi mở nhiều nội dung để toàn ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Ngày 12/7, Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển” đã diễn ra trang trọng tại Hà Nội, với gần 250 đại biểu tham dự.
Dự và phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định, trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam có những đóng góp quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách, vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực.
Hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm... là những kết quả đáng biểu dương, ghi nhận.
"Nội dung sách ngày càng phong phú, toàn diện, đa dạng về chủ đề, chất lượng chính trị, văn hóa trong các xuất bản phẩm không ngừng được nâng cao. Đội ngũ những người làm xuất bản đã và đang phát huy vai trò tiên phong, không quản khó khăn đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của mình", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh cần thẳng thắn thừa nhận trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như tổ chức Hội chưa thực sự lớn mạnh, cơ cấu, số lượng hội viên là các cá nhân, tổ chức tham gia chưa đông, chưa phát huy được tổng hợp sức mạnh của hội viên, một số hoạt động chưa mang tầm quốc gia trong triển khai thực hiện, đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù đối với xuất bản chưa mạnh mẽ...
Để Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư gợi mở một số vấn đề mà ngành xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần lưu tâm. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Hội Xuất bản Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của người làm công tác xuất bản, là một trong những hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
"Hội cần đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0. Ngành xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển", Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nêu.
Hội Xuất bản Việt Nam thời gian tới cần chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh việc tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật. Đây là hai sự kiện góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà.
"Ngành xuất bản cần tạo lập thêm các hình thức sinh hoạt nghề nghiệp như câu lạc bộ biên tập viên, CLB những người làm sách trẻ, CLB phát hành sách, tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức, tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư bày tỏ tin tưởng Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V là các đại biểu tiêu biểu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội.
"Tôi tin tưởng sau Đại hội này, những cán bộ, hội viên, những người làm công tác xuất bản sẽ có nhận thức mới, khí thế mới, tạo đà phát triển ngành xuất bản nước ta hiệu quả hơn. Hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam sẽ có nhiều đổi mới, nâng tầm, bứt phá hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.