Ngành xuất bản trong mùa dịch: Tìm hướng chuyển mình

Minh Quân 09/04/2020 08:00

Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có văn bản gửi Bộ TTTT đề xuất các giải pháp để ngành xuất bản “vượt khó” trong thời điểm có dịch Covid-19, biến khó khăn thành hành động.

Ngành xuất bản trong mùa dịch: Tìm hướng chuyển mình

Các Hội sách truyền thống sẽ được thay thế bằng Hội sách online. Ảnh: Quang Vinh.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành tính đến thời điểm cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản nói chung, trước hết thị trường phát hành sách truyền thống nói riêng chủ yếu dựa vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng báo cáo của các đơn vị phát hành sách lớn như FAHASA, Phương Nam, Nhân văn, Tiền phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình... và các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Anfabook, Thái Hà book, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A... doanh thu giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2020. Cũng do dịch Covid-19, việc hủy Hội Sách mùa xuân TPHCM và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam 21/4 tới đây cũng làm các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ đang căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng cũng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nhất định nguồn cung bản thảo. Các hoạt động liên quan nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn, trong điều kiện đơn vị sụt giảm hoặc không có doanh thu. Tất cả tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành. Thống kê hết tháng 3 tháng đầu năm, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, đối lập với bức tranh nhiều mảng tối trên của thị trường sách truyền thống, trong thời gian này, hoạt động xuất bản có những điểm sáng. Trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch Covid-19, nhiều bạn đọc tìm lựa chọn hình thức mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng mạnh. Theo ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Theo ghi nhận của một số đơn vị như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, một số đơn vị như Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động. Không những vậy, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka, doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng user truy cập vượt trên 15.000 trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành để biến những cơ hội thành hành động không phải là câu chuyện có thể giải quyết “một sớm, một chiều”.

Để tìm cơ hội “vượt khó”, theo đề xuất của Cục Xuất bản, In và Phát hành trước mắt sẽ triển khai Hội Sách online trong khoảng 1 tháng nhằm thu hút 5-10 triệu lượt người tham dự. Tiếp tục duy trì sàn giao dịch điện tử; phát triển trở thành sàn giao dịch sách hiệu quả. Nghiên cứu đề xuất giảm thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị hoạt động cả trong lĩnh vực xuất bản và phát hành, chính sách hỗ trợ vốn vay để sản xuất và trả lương người lao động...

Đặc biệt, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đề xuất với Bộ TTTT kêu gọi sự vào cuộc, phối hợp của các doanh nghiệp để cùng các đơn vị xuất bản tháo gỡ khó khăn. Đơn cử như, đối với các công ty mạng viễn thông có thể giảm phí thu từ bán sách điện tử hoặc thay vì giảm thu phí có thể hỗ trợ cung cấp một số gói qui đổi lợi ích khác. Đối với đơn vị phát hành sách online, sách điện tử, giảm chiết khấu, tăng lợi nhuận cho các nhà xuất bản, nhà sách, giảm giá thành sách. Chủ động chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh; tăng cường, mở rộng thị trường bán sách online và sách điện tử. Về lâu dài, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có luật khuyến đọc để đưa sách vào trường học, hình thành thói quen đọc sách của trẻ.Tiếp tục tìm đối tác đầu tư xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, tủ sách cộng đồng, lan tỏa sách hay, sách tốt đến bạn đọc; đẩy mạnh các hoạt động hội chợ, quảng bá sách qua đó xây dựng, hình thành, nuôi dưỡng thói quen đọc sách...

Hội Sách online chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7

Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa ban hành kế hoạch tổ chức Hội Sách online chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7. Theo đó, Hội sách sẽ được tổ chức từ ngày 19/4 đến 20/5 tại sàn book365.vn (NXB Thông tin và Truyền thông). Hội sách sẽ tổ chức gian hàng của các NXB, công ty phát hành giới thiệu sách trực tuyến; phục vụ bán sách online. Tổ chức các sự kiện giới thiệu sách mới; giới thiệu tác giả, tác phẩm; tọa đàm kết nối trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành xuất bản trong mùa dịch: Tìm hướng chuyển mình