Chiều ngày 19/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 22 ngày (từ 22/5 đến 20/6). Về dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến về 4 dự án luật. Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu h
Tổng Thư ký- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo.
Ông Cự suy sụp, vì sức khỏe yếu nên xin nghỉ
Trả lời về việc đơn xin thôi ĐBQH đối với ông Võ Kim Cự vì lý do sức khỏe, từ vụ này rút kinh nghiệm gì về công tác kiểm tra sức khỏe và công tác bảo vệ sức khỏe đối với ĐBQH trước khi ứng cử? Tổng Thư ký- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Sau khi có Kết luận của Ban Bí thư đối với ông Võ Kim Cự, ông Cự có đơn xin thôi ĐBQH vì lý do sức khỏe. Căn cứ vào Điểm 2 Điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và đồng ý cho thôi.
“Sức khỏe con người nay khỏe, mai yếu biết sao được. Trước không sao nhưng giờ phát hiện ra sức khỏe yếu. Khi họ thấy yếu nên có đơn xin thôi chứ không nhất thiết phải có văn bản nào cả. Họ có đơn xin thôi, xét thấy điều kiện đó thì UBTVQH cho thôi ĐBQH đối với ông Cự”- ông Phúc nói.
Ông Phúc nói thêm: “Ông Cự sai phạm lúc làm Chủ tịch, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, và thôi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh vào năm 2015. Lúc đó chưa có gì cả. Cuối năm 2015 ông Cự chuyển lên làm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Tháng 4/2016 mới xảy ra cá chết, sau đó ngày 22/5 bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND chưa có vấn đề gì, chưa phát hiện được nguyên nhân cá chết, về sau mới phát hiện do Formosa. Ông Cự được bầu ngay ở Hà Tĩnh, cử tri bầu 75% là cao. UBTƯ MTTQ Việt Nam giới thiệu ông Cự với cương vị Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, là thành viên của Mặt trận chứ không phải ông Cự bị kỷ luật vẫn giới thiệu vào bầu ĐBQH. Vừa qua thấy bị kỷ luật, suy nghĩ, suy sụp, thấy sức khỏe yếu nên ông Cự xin thôi ĐBQH. Thấy đại biểu có đơn xin thôi vì lý do sức khỏe cho nên UBTVQH đồng ý thôi ĐBQH”.
Lùi Luật biểu tình vì lý do chất lượng
Liên quan đến việc nghị quyết xử lý cán bộ trước khi nghỉ hưu tiến độ đến đâu? Cũng như chương trình kỳ họp lần này không có Luật Biểu tình. Lý do vì sao tiếp tục chậm tiến độ? Trả lời, ông Phúc cho biết Quốc hội đang chờ Chính phủ trình Nghị quyết sang. Hiện Chính phủ cũng đang tiến hành sửa đổi Luật Công chức viên chức, trong quá trình sửa có bao hàm điều kiện xử lý cán bộ trước khi nghỉ hưu. UBTVQH đang nghiên cứu và chờ Chính phủ trình sang Quốc hội.
Về Luật biểu tình không có trong chương trình lần này, ông Phúc cho biết: Do chất lượng luật, hiện Chính phủ đang hoàn chỉnh. Quốc hội làm luật phải đảm bảo chất lượng. Do đó Chính phủ phải chuẩn bị kỹ lưỡng thấu đáo trước khi trình sang. Chính phủ chưa trình sang nên Quốc hội chưa xem xét và đưa vào chương trình được.
Ông Phúc phân tích thêm: “Hiến pháp năm 2013 có quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền biểu tình, quyền thành lập hội. Trong chương trình là có Luật biểu tình nhưng trình ra UBTVQH thấy không đảm bảo chất lượng nên không trình ra, trả lại cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu. Khi Chính phủ trình ra mới xem xét”.
Không bầu bổ sung ĐBQH
Đề cập đến việc trong thông cáo báo chí ngày 15/5 của Văn phòng Quốc hội có nói căn cứ pháp lý cho thôi ĐBQH đối với ông Võ Kim Cự, chuyển đoàn ĐBQH đối với ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam. Nhưng ông Đinh La Thăng chỉ nói xét theo đơn xin chuyển sinh hoạt. Vậy dựa trên căn cứ pháp lý nào trong Luật Tổ chức Quốc hội đối với trường hợp của ông Đinh La Thăng?
Ông Phúc cho biết: Tại Hội nghị Trung ương 5, căn cứ vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó có kỷ luật đối với ông Thăng trong Đảng, và có đơn xin thôi Ủy viên Bộ Chính trị của ông Thăng và đã được Bộ Chính trị đồng ý. Ông Thăng thôi Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thì đương nhiên thôi Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Trung ương đã quyết định điều ông Nguyễn Thiện Nhân về làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Đảng Đoàn Quốc hội thống nhất giới thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho nên ông Thăng thôi Trưởng đoàn ĐBQH và xin chuyển sang đoàn ĐBQH khác, và đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có đơn xin ông Thăng cho nên UBTVQH thống nhất đồng ý cho ông Thăng về Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
Trước việc từ đầu Quốc hội khóa XIV, có ĐBQH vì những sai phạm hay sức khỏe yếu nên xin thôi. Liệu có bầu cử bổ sung số khuyết không? Nếu khuyết thì tiếng nói của đoàn đó bị ảnh hưởng? Ông Phúc bày tỏ: Chúng ta không mong muốn điều này, hiện 3 đại biểu vi phạm và vì lý do sức khỏe nên bãi nhiệm và xin thôi. 2 đại biểu từ trần do ốm đau. Mất 5 ĐBQH không phải bầu bổ sung ngay mà phải có tỷ lệ 10% mới xem xét bổ sung thêm. Trong số 496 ĐBQH thì số thôi vẫn dưới 10%. ĐBQH đâu chỉ làm việc tại địa phương đó mà còn là của toàn quốc. Ngoài tiếp xúc cử tri nơi mình ở, ĐBQH còn có quyền tiếp xúc cử tri ở nơi khác. Cho nên không lo tiếng nói của nhân dân bị ảnh hưởng.