Ngày 22/5, khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

H.Vũ 20/05/2023 06:45

Ngày 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo.

Tại cuộc họp báo, thông báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 22/5, dự kiến bế mạc vào ngày 23/6 theo hình thức họp tập trung. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; Đợt 2: từ ngày 19/6 đến ngày 23/6.

Về các dự án luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án luật, đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; công tác nhân sự...

Trả lời báo chí liên quan đến công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 5, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thảo luận và cho ý kiến biểu quyết đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm, cho thôi chức vụ đại biểu đối với nhân sự Quốc hội bầu khóa XV cũng như việc tiến hành thực hiện quy trình bầu Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm, phê chuẩn bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.

Về trường hợp của ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Tuấn Anh cho biết, ngày 15/5, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua cho phép ông Nguyễn Phú Cường thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ngày 16/5 ông, Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin thôi làm ĐBQH và các chức vụ do Quốc hội khóa XV bầu. Theo trình tự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách khi đang có sự chậm trễ trong phân bổ vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình nói trên trước ngày 31/3. Tuy nhiên quá trình triển khai chậm nên sau 31/3 vẫn còn số vốn rất lớn chưa được phân bổ, theo nghị quyết thì sẽ không phân bổ tiếp.

Theo ông Lâm, hiện tại nhiều dự án đã chuẩn bị đủ điều kiện, nếu đưa vào dự phòng sẽ ảnh hưởng đến tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nên cơ quan tham mưu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội xem xét. Dự án nào đủ điều kiện thì cho phân bổ, còn lại thì sẽ đưa vào dự phòng.

Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, vốn của Chương trình phục hồi sẽ giao tiếp 13.000 tỷ đồng cho 45 dự án, còn lại hơn 700 tỷ đồng chưa đủ thủ tục thì hủy dự toán. Vốn đầu tư công trung hạn chưa phân bổ còn 279.000 tỷ đồng... “Để chậm trễ như trên là hạn chế lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng, đây cũng là lãng phí. Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, báo cáo từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày 22/5, khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO