Số liệu thống kê từ các bệnh viện cho thấy, người mắc các bệnh lý ung thư ở nước ta đang gia tăng, trong đó nhiều người mắc ung thư khi tuổi đời còn trẻ.
Thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, bệnh nhân N.H.L (22 tuổi ở Quảng Bình) tình cờ phát hiện có khối u vùng trung thất khi kiểm tra sức khỏe để đi xuất khẩu lao động. Bệnh nhân đến khám chuyên khoa tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội và được chẩn đoán: U lympho ác tính Non Hodgkin lan tỏa tế bào B lớn.
Bác sĩ Đinh Thị Lan Hương - Khoa Nội II lý giải, U lympho ác tính Non Hodgkin là nhóm bệnh ác tính của tổ chức lympho, biểu hiện có thể tại hạch hoặc ngoài hạch. Số liệu từ GLOBOCAN cho thấy, bệnh đứng thứ 11 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 11 về tỷ lệ tử vong sau ung thư phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan, vú, thực quản, tụy, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, leukemia.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân cho thấy, khối u trung thất kích thước lớn chèn ép khiến bệnh nhân tê dọc cánh tay phải, kèm đau tức ngực, khó thở. Các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã tiến hành hội chẩn liên khoa để đưa ra phác đồ điều trị. Sau xạ trị chống chèn ép, bệnh nhân giảm khó thở, giảm đau tức ngực.
Trường hợp khác, Bệnh viện K thông tin về bệnh nhân được phát hiện mắc ung thư xương khi mới 16 tuổi. Anh Bùi Văn Hiền, bố của bệnh nhân cho biết: “Cuối năm 2021, gia đình phát hiện điều bất thường khi thấy con đi khập khiễng, cứ tưởng rằng đó chỉ là vết thương do bị ngã khi đánh bóng nên gia đình cho cháu thăm khám ở bệnh viện tuyến huyện, 1 tuần sau thì tình trạng tệ hơn, chân cháu ngày càng sưng và bị tràn dịch. Ngày 10/11/2021, gia đình cho con ra Bệnh viện K xét nghiệm và nhận kết quả con mắc ung thư xương. Đến nay, cháu đã trải qua hóa trị, sau đó mổ xương với chi phí lên đến 220 triệu đồng và hiện đang tiếp tục hóa trị tại Bệnh viện K với 14 đợt truyền”.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trước đây, bệnh ung thư vú chủ yếu gặp ở nhóm trên 50 tuổi, hiện ghi nhận trường hợp trên 30 tuổi mắc bệnh. Độ tuổi khuyến cáo tầm soát ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng hiện nay từ 40-45 tuổi, thay vì trên 60 tuổi như trước. Trong khi đó, ung thư phổi cũng đã ghi nhận ca bệnh tuổi đời còn rất trẻ, như một bệnh nhân nữ 25 tuổi bị tê yếu nửa người trái, co giật, nhập viện Bạch Mai phát hiện ung thư phổi di căn não giai đoạn 4. Bệnh nhân không có các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở, ho ra máu..., tiền sử gia đình cũng không có bất thường”.
Lý giải tình trạng ung thư trẻ hóa, chuyên gia y tế cho rằng, nhiều yếu tố có thể dẫn tới tình trạng này có thể kể đến như lối sống ít vận động ảnh hưởng đến sức khỏe, chế độ ăn uống không lành mạnh (ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối...). Bên cạnh đó là các thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... Đồng thời, ô nhiễm môi trường sống cũng là một trong các nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, việc thay đổi lối sống có thể giảm nguy cơ mắc ung thư sớm, cụ thể như tránh chế độ ăn kiểu phương Tây giàu thực phẩm chế biến cao, mỡ động vật, đồ tráng miệng và quá nhiều thịt đỏ; Giảm đường trong chế độ ăn; Tập thể dục thường xuyên; Tránh khói thuốc/hút thuốc lá; Giảm tiêu thụ rượu; Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng cân bằng; Cố gắng ngủ ngon với lịch trình đều đặn, tránh thức khuya; Giảm công việc làm ca đêm càng nhiều càng tốt; Tiêm vaccine chống lại các vi sinh vật gây ung thư như HPV và HBV.
Đồng thời, theo các bác sĩ, đa phần ung thư diễn biến sớm không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi đã xuất hiện triệu chứng, đồng nghĩa bệnh đã diễn biến nặng. Trên thực tế, việc vô tình phát hiện ung thư trong quá trình thăm khám không hiếm, nhiều nhất là ung thư tuyến giáp. Do đó, với bệnh lý ung thư, việc tầm soát có vai trò và ý nghĩa quan trọng nhất. Mốc thời điểm tầm soát ung thư là sau tuổi 30. Người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, ung thư vú sau mãn kinh... Ngoài ra, cần đến đúng các cơ sở chuyên khoa sâu, tránh tình trạng bỏ sót khi khám dẫn đến tâm lý chủ quan vì đã đi khám nhưng không phát hiện bệnh, khiến ung thư tiến triển âm thầm.
Bác sĩ Thân Văn Thịnh - Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, ngoài một số bệnh ung thư vốn nguy hiểm và hay xảy ra ở người trẻ hơn như ung thư máu, ung thư xương, u nguyên bào, ung thư tuyến giáp… hiện nay, nhiều các ca ung thư vú, ung thư đại trực tràng - những bệnh vốn có nguy cơ cao ở người cao tuổi đã được ghi nhận xuất hiện ở người trẻ. Ung thư đại trực tràng, trước đây thường xảy ra ở độ tuổi 50-60 thì hiện nay, nhiều ca bệnh trẻ hơn rất nhiều.