Ngày mai mở lại phiên tòa vụ án liên quan nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái

Minh Lộc 24/10/2023 18:29

Phiên tòa vụ án liên quan nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng dự kiến diễn ra sáng 25/10/2023. Dù vậy, theo các luật sư tham gia bào chữa nhiều chi tiết quan trọng, chứng cứ vụ án mà Toà án tỉnh Yên Bái yêu cầu bổ sung trong phiên xét xử lần đầu vẫn chưa được Viện kiểm sát làm rõ.

Trước đó, phiên tòa lần đầu đã diễn ra từ 24 đến 26/8/2023 bị hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung những chứng cứ quan trọng của vụ án mà chưa được Viện kiểm sát làm rõ.

Chứng cứ trực tiếp và quan trọng nhất’ của vụ án mâu thuẫn

Cáo trạng nêu, khoảng 17h ngày 18/10/2020, Đinh Tiến Hùng đã gặp Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn tại quán cà phê Đồng Tâm ở TP Yên Bái. Hậu và Hùng nhận ra nhau là bạn học cũ từ gần 20 năm trước. Hậu nhờ Hùng giải quyết vướng mắc tại Sở VH-TT-DL tỉnh Yên Bái khi mỏ Núi Ngàng đang lộ trình tiến đến được Bộ TN-MT cấp phép.

Hùng nói: "Các ông có mỏ, tôi có quan hệ, bây giờ đang tiện làm đường thì tiến hành khai thác quặng luôn. Tôi đứng ra lo quan hệ, cơ chế, còn Hùng "lùn" (Nguyễn Mạnh Hùng ở Hà Nội - PV) sẽ đi tìm người về để khai thác quặng". Vẫn theo cáo trạng, lợi nhuận của vụ khai thác quặng này sẽ là Đinh Tiến Hùng hưởng 1/3, Cty Tuyên Huy hưởng 2/3.

Nội dung trên đây tại quán cà phê, theo Kết luận điều tra của Công an tỉnh Yên Bái, coi là "chứng cứ trực tiếp và quan trọng nhất của vụ án", và đều là lời khai của Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn. Không có dữ liệu điện tử, không có ghi âm, không có nhân chứng nào khác nói về nội dung này.

Tuy nhiên, tại tòa ba bị cáo Hậu và Tuấn, Hùng đã mâu thuẫn lời khai. Hậu cho rằng cả ba người đều "ngồi cùng một bàn để bàn bạc nội dung vụ khai thác, và Hùng là người đề xuất".

Còn Tuấn lại nói rằng, khi vừa ngồi xuống để gọi cà phê thì anh ta có điện thoại gọi đến nên đã chuyển sang bàn khác ngồi, tức cũng không nghe rõ nội dung Hậu và Hùng bàn gì. Tuấn khẳng định chỉ biết nội dung ở quán cà phê là do Hậu truyền đạt lại. Tuấn kiên quyết hai lần nhắc lại điều này tại tòa, và nói rằng "bị cáo chưa bao giờ nói Đinh Tiến Hùng là người khởi xướng".

Người dân đứng phía ngoài hội trường theo dõi phiên tòa.

Bị cáo Đinh Tiến Hùng phủ nhận việc bàn chuyển khai thác mỏ, chỉ ngồi cà phê hỏi thăm sức khoẻ bạn học cũ.

Viện KSND tỉnh Yên Bái sau hai lần trả hồ sơ cho CQĐT, thì cũng coi từ lời khai về nội dung ở quán cà phê này Hùng là người khởi xướng ra vụ khai thác trái phép, mà không có căn cứ khách quan nào khác phù hợp với lời khai của Hậu và Tuấn.

Còn bị cáo Đinh Tiến Hùng khẳng định lại, cuộc gặp này do bị cáo Tuấn gọi điện đột xuất, không hẹn trước, và Đinh Tiến Hùng chỉ ra đó khoảng 10 phút. Bị cáo nói rõ “Vụ khai thác khoáng sản kia là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vậy tôi và các đối tượng có thể bàn bạc ngay và nhanh chóng như vậy ở quán cà phê được không?".

Tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Yên Bái cho biết: “Kết quả điều tra, Đinh Tiến Hùng chưa lo cơ chế, quan hệ gì, nhưng với việc chủ động bàn bạc, Đinh Tiến Hùng đã thúc đẩy Hậu, Tuấn thực hiện hành vi khai thác chì kẽm trái phép.

Luật sư Đỗ Như Thành và Luật sư Hoàng Trọng Hồng, người bảo vệ bị cáo Đinh Tiến Hùng khẳng định tại phiên toà: Hậu và Tuấn đã có những lời khai bất nhất (không giống như Kết luận điều tra nêu), và quan điểm của Viện kiểm sát là chưa đầy đủ. Các luật sư cho rằng đủ căn cứ cho thấy các đối tượng Hậu, Tuấn... đã thực hiện việc khai thác quặng một cách chủ động trước đó mà không cần đến vai trò của Đinh Tiến Hùng. Huống hồ không có chứng cứ nào về việc Đinh Tiến Hùng đã xúi giục các đối tượng, đã đầu tư máy móc, thiết bị, tiền bạc, nhân lực (vì khai thác quặng cần huy động nguồn lực lớn), mà Viện kiểm sát vẫn cho rằng Đinh Tiến Hùng vi phạm pháp luật là chưa thoả đáng.

Khối lượng, hàm lượng quặng khai thác trái phép chưa được làm rõ?

Tại phiên lần đầu, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu giải quyết yêu cầu của người bào chữa về việc xác định lại khối lượng, hàm lượng quặng được khai thác trái phép ở mỏ núi Ngàng để xác định chính xác giá trị khoáng sản phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tại phiên toà, theo cáo trạng của viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái, lượng đá nhiễm quặng thu giữ trong vụ án khoảng 1.000 tấn, được CQĐT định giá hơn 2 tỷ đồng. Theo bị cáo Bùi Minh Đức (người của Cty Ngọc Tâm, được tham gia buổi lấy mẫu quặng giám định), cán bộ điều tra đã nhặt 2 viên bất kỳ trong đống đá, và lấy một ít quặng trong hầm lò cũ của Cty Tuyên Huy, mang đi giám định.

Còn theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái luận tội ở phiên toà, CQĐT đã sử dụng phương pháp dùng xe ủi gạt đống đá thành hình khối rồi tính ra khối lượng (1.000 tấn). Đại diện viện kiểm sát xác nhận, sau đó khối lượng quặng được giao cho thi hành án bốc lên xe tải và mang cân - trọng lượng lúc này cho thấy chỉ lệch so với phương pháp “đo thể tích ra khối lượng” là 1kg.

Luật sư Hoàng Trọng Hồng cho rằng, điều này không chính xác vì đống đá cả ngàn tấn nếu đo bằng phương pháp này là “rất mơ hồ và không được chấp nhận”.

Tại phiên toà, nhiều luật sư khẳng định phương pháp lấy mẫu "ngẫu nhiên" này có thể khiến kết quả giám định không khách quan, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức, khoản truy tố. Cần có một cuộc giám định lại tại một cơ quan giám định độc lập, khách quan và chính xác.

Theo kết quả đánh giá của Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong thăm dò khoáng sản ở khu vực mỏ được cấp phép ở Núi Ngàng chỉ hơn 5 độ.

Còn theo Luật sư Phan Minh Thanh, quy trình lấy mẫu phải đúng quy định, cụ thể: Nhặt các mẫu từ các vị trí khác nhau của đống đá (lấy 5% của 1.000 tấn đá hiện trường), mang đi nghiền nhỏ và tiến hành hoá nghiệm giám định. Sau đó tách rõ chì bao nhiêu, kẽm bao nhiêu, sắt bao nhiêu…, và định giá theo từng thành phần mới ra tổng số tiền. Đồng thời, nhiều luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xác định lại khối lượng, hàm lượng quặng được khai thác trái phép ở mỏ núi Ngàng để xác định chính xác giá trị khoáng sản phải chịu trách nhiệm hình sự.

Và cũng trong phần xét hỏi, Bị cáo Nguyễn Văn Hậu khẳng định: Mình là người chuyên làm kỹ thuật, số lượng đá tại hiện trường chỉ là ‘đá nhiễm quặng” và có tỷ lệ quặng rất thấp. Con số quặng hơn 10 độ là không khách quan bởi chỉ khoảng vài độ. Bị cáo Hậu đã nhiều lần có đơn để nghị cơ quan chức năng giám định lại hàm lượng quặng nhưng chưa được phản hồi.

Đồng quan điểm với bị cáo Hậu, bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn, Phó giám đốc Cty Tuyên Huy cho rằng: Hàm lượng quặng là không chính xác. Bởi thực tế theo kết quả đánh giá của Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong thăm dò khoáng sản ở khu vực mỏ được cấp phép ở Núi Ngàng chỉ hơn 5 độ.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Tuyên Huy (do ông Nguyễn Văn Hậu là giám đốc) có mỏ quặng ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã hết hạn và đang trong quá trình xin cấp phép lại. Năm 2020, để chuẩn bị cho việc khai thác khi được cấp phép lại, Công ty Tuyên Huy hợp tác với Công ty TNHH Ngọc Tâm của ông Lăng Đức Hân mở một con đường vào khu mỏ. Quá trình thi công, ông Lăng Đức Hân phát hiện nhiều hầm lò cũ nên nảy ý định nổ mìn lấy đá làm đường, Sau khi phát hiện có quặng chì-kẽm 2 công ty đã tách ra, tìm hướng xử lý sau. Tháng 3/2021, Công an Yên Bái khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Sử dụng trái phép vật liệu nổ”. Qua thẩm định, khối lượng đất đá được xác định là "quặng chì-kẽm" khoảng hơn 1.000 tấn, trị giá hơn 2 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày mai mở lại phiên tòa vụ án liên quan nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO