Việc cai nghiện rất khó khăn, nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, cộng đồng thì có thể cai nghiện thành công. Và đây cũng chính là chủ đề của Tháng Hành động phòng, chống ma túy (tháng 6) và Ngày Quốc tế phòng chống ma túy (26-6) năm nay: “Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy”.
Các học viên tại Trung tâm cai nghiện số 5 Hà Nội (Ảnh Hồng Kiều)
Mỗi năm tăng khoảng 6% người nghiện
Theo Bộ LĐTB&XH, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Đến cuối năm ngoái, theo thống kê cả nước có hơn 204.000 người nghiện, bình quân mỗi năm tăng khoảng 6%. Nghiện ma túy xuất hiện ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi, song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% số người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi…Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, cần sa, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamin (ATS), đặc biệt là Methamphetamin (ma túy đá) đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan chức năng. Đáng lo ngại là cùng với nghiện các chất ma túy thông thường, giới trẻ ngày nay có xu hướng nghiện những chất ma túy mới và chất gây nghiện mới với giá rẻ hơn, dễ kiếm hơn và “có vỏ bọc” kín đáo hơn, như: Sisha, chất tiền ma túy chiết xuất từ tân dược…
Đánh giá về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy giai đoạn 2011-2015, Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, mục tiêu giảm người nghiện và số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy mà Chương trình đề ra đều không đạt. Năm 2010, cả nước có 143.196 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; đến năm 2014, con số này tăng lên 204.377 người. Trong đó có 32 tỉnh, thành có số người nghiện tăng như Điện Biên, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng...; 91% số người nghiện là nam giới. Người nghiện ma túy chủ yếu trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là số người tái nghiện chỉ chiếm 4,3% trong tổng số người nghiện.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Đánh giá về công tác cai nghiện ma túy, Bộ trưởng Bộ LĐTB &XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn ma túy, song chưa mang lại kết quả như mong muốn. Tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Số người nghiện ma túy liên tục gia tăng. Thực tế, việc cai nghiện rất khó khăn, nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, cộng đồng thì có thể cai nghiện thành công. Ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có hàng nghìn người sau cai nghiện 3- 5 năm chưa tái nghiện. Nhiều người từng nghiện nặng, nghiện nhiều năm nhưng đã quyết tâm cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cộng đồng ghi nhận, bầu làm công an viên, tổ trưởng Tổ tự quản, được kết nạp vào Đảng. Một số người hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Vì vậy, chủ đề “Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy” là thông điệp mong muốn cộng đồng, xã hội không kỳ thị, không coi người nghiện ma túy là tội phạm mà hãy coi đó là những người mắc bệnh để giúp đỡ họ chữa bệnh, có việc làm, hòa nhập lại cuộc sống” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.
Theo đó mỗi người cần tham gia tích cực vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân về tác hại của ma túy để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của tình nguyện viên trong công tác giúp đỡ người nghiện cai nghiện, người sau cai hòa nhập cộng đồng, ngày 8-6-2015, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-LĐTBXH về việc Kế hoạch thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”. Mục tiêu của Kế hoạch là phát huy vai trò, trách nhiệm của tình nguyện viên trong việc vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy tự nguyện tham gia các chương trình cai nghiện; người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng; vận động mỗi tình nguyện viên tiếp nhận vận động, hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một người nghiện ma túy trên địa bàn tham gia một chương trình cai nghiện hoặc một người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. |