Ngày thi thứ 3 Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Đìu hiu môn Địa lý

Thủy Anh - Đoàn Xá 04/07/2015 12:35

Ngày 3-7, theo ghi nhận của phóng viên ĐĐK, không khí tại cụm thi trong cả nước vắng vẻ, do ít thí sinh đăng ký dự thi môn Địa lý. Buổi chiều, môn Hóa học lại đông thí sinh dự thi.

* Hôm nay (4-7), kỳ thi THPT Quốc gia bước sang ngày thi cuối cùng với 2 môn Lịch sử và Sinh học

Đề Địa lý không bất ngờ với thí sinh

Sáng 3-7, các điểm thi tại TP.HCM khá vắng bởi rất ít thí sinh chọn môn Địa lý. Được biết, ngoài một số thí sinh chọn Địa lý để xét nguyện vọng ĐH, CĐ thì rất ít thí sinh chọn môn này để xét tuyển tốt nghiệp THPT. Tại cụm thi ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, nhiều phòng thi chỉ 3-4 thí sinh, thậm chí không có thí sinh nào. Tương tự, tại cụm thi ở trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại Gò Vấp, lượng thí sinh thi môn Địa lý cũng thấp kỷ lục, ít hơn nhiều so với môn tự chọn Vật lý chiều hôm trước. Ngay cả cụm thi của trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại cơ sở 2 ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3) cũng không có thí sinh nào dự thi. Lực lượng bảo vệ, giám thị, cán bộ coi thi vì thế cũng không xuất hiện khiến điểm thi khá nhìn vắng vẻ.

Có mặt tại cụm thi số 1 ĐH Bách khoa Hà Nội khoảng hơn 10 giờ, rất đông các thí sinh đã hồ hởi ra khỏi phòng thi, sau khi hết 2/3 thời gian thi môn Địa lý. Đề thi Địa lý năm nay gồm 4 câu liên quan đến các vấn đề địa lý tự nhiên, sông ngòi, khí hậu, biển đảo của Việt Nam. Trong đó câu số 4 hỏi về cách khai thác tài nguyên kinh tế biển và việc khai tác tài nguyên biển - đảo có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước như thế nào, gây hứng thú cho các thí sinh. Chủ đề biển đảo này đã được nhiều thí sinh dự đoán trước, cho rằng học trúng tủ…

Ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian, thí sinh Bùi Thùy Linh (Trường THPT Nguyễn Du - Nam Định) thi tại cụm thi số 2 ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Đề Địa lý năm nay không khó. Nhất là có câu hỏi nội dung nằm hoàn toàn trong Atlat, có cả số trang nên thí sinh nào cũng có thể dễ dàng giành được điểm phần này. Về câu hỏi khai thác tài nguyên biển đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước, em cho rằng hay nhất và khó nhất. Trong bài làm, em có ý trả lời rằng tạo việc làm cho người dân vùng ven biển, thúc đẩy phát triển công nghiệp từ tài nguyên…

Cũng cho rằng đã đoán được “thóp” ra đề là sẽ liên quan đến biên giới, lãnh thổ, biển đảo, các thí sinh ở TP. HCM cho biết đã tập trung ôn luyện về phần này và đã không bị thụ động thông tin. Thí sinh Bùi Văn Doãn (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) ở điểm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, đề thi môn Địa khá dễ, chỉ cần có kiến thức trung bình cũng đạt được 5-6 và nếu chịu khó đọc tin tức thời sự thì đạt điểm 7-8 là điều bình thường.

Nhìn chung, tâm lý của những thí sinh chọn thi môn Địa lý đều khá phấn khởi do đề thi không quá bất ngờ, nằm trong dự tính từ trước. Các câu hỏi trong đề thi đều bám sát chương trình học lớp 12. Tuy nhiên theo các thí sinh để làm tốt bài cũng cần đòi hỏi thí sinh có kiến thức xã hội tốt.

Một số giáo viên cũng nhận định, để đạt điểm 8 bộ môn này là không quá khó, nhưng điểm 9 hoặc 10 thì đòi hỏi những hiểu biết sâu rộng về xã hội và cần phải có kỹ năng phân tích, cẩn thận ở các chi tiết trong bài.

Buổi chiều 3-7, các thí sinh thi môn Hóa học, không khí tại các điểm thi đông đúc hơn do đây là môn được nhiều thí sinh chọn lựa vì đây là môn thuộc khối tự nhiên, là lợi thế giành điểm của nhiều bạn khi xét tuyển ĐH, CĐ. Đánh giá về đề thi, thí sinh Nguyễn Ánh Tuyết (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) ở cụm thi ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, phần trắc nghiệm của đề hóa khá dễ, dành cho những thí sinh xét tuyển tốt nghiệp. Riêng phần viết phản ứng hóa học và tìm các chất trong dãy phương trình phản ứng thì khó hơn một chút, các bạn có học lực khá mới làm được. Bản thân Tuyết, em tự tin cho rằng mình có thể đạt điểm 7-8 môn Hóa này. Tương tự, thí sinh Nguyễn Văn Toàn ở Châu Thành (Tây Ninh) dự thi tại cụm ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM cũng đánh giá phần trắc nghiệm đề hóa khá dễ. Chỉ có 3 câu tìm khối lượng hợp chất và tỷ lệ chất phản ứng là khó, dành cho những thí sinh giỏi.

Thí sinh môn Địa lý khá ít ỏi (ảnh: Thủy Anh)

Vẫn nhiều thí sinh bị đình chỉ

Về những sự cố tại ngày thi thứ 3, theo ghi nhận từ phía Bộ GD&ĐT, ở môn Địa lý, vẫn tiếp tục có những thí sinh đã bị đình chỉ thi với lỗi hầu hết là mang tài liệu vào phòng thi. Cụ thể, tại cụm thi trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM có 5 trường hợp bị đình chỉ, cụm thi trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 3 trường hợp bị đình chỉ. Các cụm thi như ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, cụm thi ĐH Sài Gòn đều có 1 trường hợp bị đình chỉ...

Tại Hội đồng thi Học viện Nông nghiệp Việt Nam, môn thi Địa lý sáng hôm qua có 3.538 thí sinh dự thi, chiếm 98,7%. Thời gian thi mới hơn 30 phút, tại điểm thi này đã có 4 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. Tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Ban chỉ đạo thi cho biết, trong buổi sáng cũng có 5 thí sinh bị đình chỉ môn thi Địa lý do mang tài liệu vào phòng thi...

* Hỏng xe được hỗ trợ đưa đến điểm thi.

Đó là trường hợp thí sinh Phí Công Đức, SN 1992, học sinh trường PTTH Vạn Xuân, huyện Hoài Đức (Hà Nội). 6 giờ 30 sáng 3-7, trên đường từ nhà đến điểm thi trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, xe máy của Đức không may bị thủng săm. Thời điểm này còn khá sớm nên các hiệu sửa xe chưa mở cửa, dắt bộ khoảng 200m thí sinh này vẫn chưa tìm được nơi vá. Đúng lúc đó, Đại úy Đỗ Xuân Dương và Thượng sĩ Trần Quang Thiện (Đội 9-Phòng CSGT-CA Hà Nội đi làm nhiệm vụ qua, phát hiện ra “tình cảnh” của Đức đã phân công nhau hỗ trợ. Trong đó, Đại úy Dương dùng mô tô cảnh sát chở Đức tới điểm thi, giúp thí sinh này vào phòng thi đúng giờ, còn Thượng sĩ Thiện giúp bằng cách mang chiếc xe của Đức gửi tại một nhà dân ven đường, sau đó mang đi sửa. Đến trưa cùng ngày, Đại úy Dương lại đến đón thí sinh Đức tại điểm thi, đưa về trụ sở Đội CSGT số 9, trao trả lại xe cho Đức. Được biết, thí sinh Phí Văn Đức sau đó đã viết thư cảm ơn, gửi tới Công an TP.Hà Nội, thể hiện sự xúc động và biết ơn việc làm kịp thời, ý nghĩa của Đại úy Dương, Thượng sĩ Thiện…

Duy Hưng-CTV

* Thừa Thiên - Huế: 1 thí sinh ngất xỉu do nắng nóng.

Đó là thí sinh Võ Thị Hằng (xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đã được đưa đến cấp cứu tại BV Trường ĐH Y dược Huế. Trước đó, vào khoảng 10 giờ 30 sáng 3-7, khi đang làm bài môn Địa lý tại điểm thi trường THCS Phạm Văn Đồng (TP Huế), thí sinh Võ Thị Hằng đã ngất xỉu. Bệnh viện cho biết thí sinh này ngất xỉu do nắng nóng, lo âu dẫn đến cơ thể bị suy nhược. Đến 12 giờ trưa, thí sinh đã tỉnh nhưng sức khỏe vẫn còn yếu và đang được truyền dịch.

Vũ Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày thi thứ 3 Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Đìu hiu môn Địa lý