Có lần tôi nghe ca sĩ Tùng Dương nói về từng nhân vật thuộc "bộ tứ sông Hồng", đại ý như thế này: "Nhạc sĩ Dương Thụ là người lắng nghe được những ẩn ức không dễ gì nói ra của những người phụ nữ một cách tinh tế, dịu dàng. Còn nhạc sĩ Trần Tiến thì có hai thuộc tính có vẻ như trái ngược trong âm nhạc là chất đời và chất thiền. Nguyễn Cường và Phó Đức Phương thì như hai ông già gác ngôi đền di sản âm nhạc của dân tộc. Bốn nhạc sĩ là bốn cá tính âm nhạc riêng biệt và bốn màu sắc khác nhau…”
Tôi tâm đắc với Tùng Dương. Với “bộ tứ sông Hồng”, tôi đã viết về Dương Thụ và Phó Đức Phương, hôm nay, viết về Nguyễn Cường. Tôi giở hai kỷ niệm của ông đối với tôi: Một là album 10 bài của ông do Tùng Dương hát và một bản tổng phổ, ông viết về sông Hồng, tôi mua bản quyền định dựng một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Âm thanh và ánh sáng” (đề tài đã dự thi và được giải Nhì của Hội đồng Anh năm 2006).
Một người Hà Nội hồn nhiên
Tôi gặp Nguyễn Cường ở cái lần anh khoe mọi người bức tượng Di Lặc trên tầng 4 ở 94 Hàng Bạc (Hà Nội). Cùng với nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dựng tượng Phật, còn Nguyễn Cường lại thích Di Lặc. Trong nhà Nguyễn Cường treo tranh của Hoàng Hà Tùng, của Suối Hoa và một khoảng không gian dành cho những chiếc mũ phớt. Nguyễn Cường là thế, anh kỹ tính trong hồn nhiên.
Nếu hai ông bạn Phó Đức Phương, Dương Thụ kỹ với ca sĩ hát bài của mình đến từng nốt, từng chi tiết và khi nào tận mắt, tận tai thấy được, mới là được; Nguyễn Cường lại khác, ông bảo: “Tôi có dễ tính hay không thì bạn nghe sáng tác của tôi là biết. Nhưng cách làm việc của tôi trước nay là thế, không chỉ với Tùng Dương.
Nếu như Phó Đức Phương bạn tôi luôn “đau khổ vật vã” nắn từng chữ từng dòng thì tôi chỉ cần hát một lần đúng, trước mặt tôi, là đủ, còn sau đó thì là việc của ca sĩ. Riêng Tùng Dương, chỉ cần một lần nó làm tôi phục sát đất, là đủ để tôi tin sái cổ, cứ đưa bài cho nó là xong... Cả Tùng Dương, Siu Black, Y Moan cũng đã từng bỏ bớt từ của tôi, nhưng tôi coi đó là một sáng tạo ghê gớm, một sự thông minh xuất sắc, nhất là Tùng Dương.”
Sở thích về mũ phớt của Nguyễn Cường cũng có một giai thoại: Nguyễn Cường đi du lịch và trở về từ Mỹ, khi nhập cảnh, Nguyễn Cường chấp hành đúng luật là bỏ mũ ra, công an cửa khẩu nhìn đi ngắm lại ảnh và người, vẻ mặt đầy thắc mắc. Đoán được câu hỏi trong vẻ mặt đầy ngạc nhiên kia, Nguyễn Cường lại đội mũ vào, viên công an cười vang: Đấy, đây mới đúng là chú, nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Nguyễn Cường cũng là người đáo để, nhưng cũng rất ngây thơ. Dạo ra Nghị định 61, chủ trương hợp thức làm sổ đỏ cho các hộ gia đình có diện tích thuộc diện nhà nước quản lý. Tôi nhanh nhảu hỏi: Nhà anh làm sổ chưa, làm đi anh ạ, có khó khăn gì em giúp một tay.
Nguyễn Cường ngơ ngác: “Anh tưởng người ta phải tự động làm cho anh chứ, người ta đổi biệt thự 200m2 bắt cả gia đình anh sang bên này. Ở đây có vài chục mét, lại chung mấy hộ với nhau, thiệt đơn thiệt kép, sao anh phải làm đơn nhỉ?... Anh tin người ta sẽ phải nhớ chuyện cũ, có khi họ còn trả lại 200m2 kia cho gia đình anh cũng nên ấy chứ…”. Đấy, Nguyễn Cường là như thế, tinh tế, kỹ càng bao nhiêu trong âm nhạc thì ngây thơ bấy nhiêu trong đời thường…
Âm nhạc của người… không tuổi
Gia tài âm nhạc Nguyễn Cường cũng có vài trăm bài. Cũng học âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, nhưng cũng như Phó Đức Phương, Dương Thụ học nửa chừng thì bị cắt học bổng. Nguyễn Cường không nản, anh cứ lẽo đẽo học trong sự khốn khó của sinh viên. Nhưng anh có tình bạn tuyệt vời, một trong số đó là nhạc sĩ Cát Vận. Cát Vận thường chia suất cơm sinh viên của mình cho Nguyễn Cường, mỗi người một nửa. Nguyễn Cường bảo đời ông nhớ nhất những bát cơm của bạn ngày ấy.
Nguyễn Cường nhớ cả những người trong “bộ tứ”, cùng gặp nhau mỗi khi có dịp, nhưng ông là người hay cười nhất, xởi lởi chứ không diết dóng, không triết lý, vặn vẹo, ông bảo cuộc đời không dài, phiên phiến thôi, chấp nhận như nó vốn thế thôi, khó mà làm gì. Ông bảo cũng nhớ Tây Nguyên những làng, những gió, những nắng, những người và những khuôn ngực trần vô tư, không che đậy giữa đại ngàn…
Âm nhạc của Nguyễn Cường có hai mảng lớn: Tây Nguyên và Đồng bằng Bắc Bộ. Ông cũng bảo rằng, cuộc đời sáng tác của ông đều bắt đầu từ đơn đặt hàng. Nhưng ông coi trọng người/ đơn vị đặt hàng. Từ coi trọng đến tìm hiểu lý do đặt hàng thì cảm xúc xuất hiện. Có lần tôi cũng là người thay mặt một Ban tổ chức đặt hàng ông một bài hát về ngành Y.
Nhận lời xong, ông đọc nhiều cuốn sách liên quan đến đề tài y học. Văn - Y - Lý - Số liên quan nhau, ông lại tìm hiểu thêm, để rồi có bài hát “Bác sĩ ơi nụ cười”. Hay, bài “Hò biển” cũng do nghệ sĩ Tân Huyền, Hội Nhạc sĩ đặt viết trong đợt đi sáng tác của Hội. “Hò biển” là bài hay nhất, theo tôi, trong toàn bộ sáng tác của ông. Trong trẻo, rộng dài, bảng lảng và hào sảng. Bất kỳ ai hát lên cũng thấy cảm xúc từ tác giả, cũng thấy mình xao động: “...Mênh mang ơ triều lên ớ hờ/ Bên này biển bạc, bên kia than vàng ớ hờ/ Đẩy thuyền ta ra khơi cá về nặng lưới ớ hờ/ Thuyền nghe biển gọi, nghe bến đợi chờ…”
Những bài về Tây Nguyên cũng thế. Những bài về đồng bằng Bắc Bộ cũng thế. Viết say đắm mà kỹ càng, buông lơi mà chặt chẽ. Hầu hết tác phẩm của ông cứ xuất hiện là đặt dấu ấn. Nhưng, thành công của Nguyễn Cường cũng đồng thời là thành công với những người như: Y Moan, Siu Black mảng Tây Nguyên. Mảng Đồng bằng Bắc Bộ có một vài ca sĩ, nhưng Tùng Dương là số 1.
Cũng như nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nguyễn Cường không chú trọng việc sản xuất chương trình, làm show. Ở tuổi 73, ông mới lần đầu tiên tổ chức liveshow riêng và ở tuổi 75 mới làm một album riêng. Dĩ nhiên ông có mặt trong đêm của Tùng Dương, hát “bộ tứ sông Hồng”. Ngoài những ca sĩ ăn ý hiểu nhau như những người trên, ông còn có Minh Đạo, một nhạc sĩ phối khí rất tâm đắc với ông.
Cũng sử dụng nhuần nhuyễn các chất liệu dân ca vùng miền (Ê Đê, Gia Rai, Cơ Tu, Ba Na… nằm trong chất liệu âm nhạc Tây Nguyên) và chất liệu thứ hai là của Đồng bằng Bắc Bộ. Những năm gần đây ông kiếm ra chất liệu các dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt là: Mông, Tày, Mường… mà bản khí nhạc "Đà Giang đại hợp xướng" là một minh chứng. Miền Trung ông cũng có: “Hành hương về xứ Nghệ”, “Về khóc Tố Như”, nhưng còn ít người biết đến…
Chịu khó tìm kiếm, hòa trộn chất liệu thành một cái mới - đẹp, coi đó là những khám phá thú vị, ông vẫn bảo nó giống như con lai, như những con người chọn lựa những ưu việt nhất của chủng, để ra một chủng mới, hoàn hảo hơn. “Trong nghệ thuật, chỉ có hợp huyết mới mong có được cái lạ! Trộn được cho khéo thì cứ trộn, vấn đề là anh có đủ bản lĩnh, năng lượng, cá tính để làm chủ cái cuộc “hợp huyết” đó hay không mà thôi...”
Cũng là một con mọt sách, ông đọc rất nhiều, nhắc đến Kinh Dịch một cách nhuần nhuyễn, đặc biệt là chữ “Thời”. Có những tác phẩm của Nguyễn Cường còn nằm trong ngăn kéo, vì nó chưa đến thời. Nhưng "Bi ca Trọng Thủy" thì gây bùng nổ tại liveshow của Tùng Dương hồi tháng 6/2016.
Công chúng thì nhớ những bài pop, rock đặc trưng Nguyễn Cường, song Nguyễn Cường bây giờ lại đang hướng đến hình thức thể hiện mới: những bản nhạc mang tính giao hưởng, hàn lâm, những tác phẩm dài hơi. “Khúc Roman Hà Nội”, "Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng” - một hợp xướng cần tới hàng ngàn nghệ sĩ theo hình thức Acapella không có dàn nhạc đệm, mà biểu diễn trên 100 trống đồng của các nghệ nhân Thanh Hóa đúc tặng Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và “Đà Giang đại hợp xướng” là những ví dụ.
Gặp những người trong “bộ tứ sông Hồng” thì đừng ai nói đến tuổi, không ông nào nhớ mình tuổi bao nhiêu. Nguyễn Cường bảo: “Cái gì đến thì để cho đến, mình vẫn thấy mình đầy sung sức thì mình biết mình đang trẻ. Bây giờ ai yêu cầu tôi viết bài thì hãy bóc lột tôi đi, chính lúc này tôi đang có sức khỏe, sức sáng tác và có kinh nghiệm để nhận rõ con đường đồng hành với âm nhạc dân gian đấy...”
Nguyễn Cường vẫn giữ căn phòng ở 94 Hàng Bạc, có thêm căn hộ ở Time City Hà Nội. Ông có cuộc sống hạnh phúc với người vợ sau, các con ông đều thành đạt. Em gái Nguyễn Cường là vợ của nhà sử học Dương Trung Quốc.
Bây giờ Nguyễn Cường lại say mê màu bút và toan. Chúc ông thành công!