“Đêm thơ chính thức với chủ đề “Xuân nghĩa tình” sẽ khai mạc vào lúc 19h hôm nay (11/2) tại Hội trường tầng 2 trụ sở Liên hiệp”, nhà thơ Phan Hoàng- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Trưởng Ban tổ chức Ngày Thơ tại TP HCM chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết.
Lễ hội thơ TP HCM năm 2016 (ảnh do nhân vật cung cấp).
PV: Đâu là nét mới của Ngày Thơ VN lần thứ 15 tại TP HCM thưa anh?
Nhà thơ Phan Hoàng: Ngày Thơ năm nay tại TP HCM được tổ chức với qui mô vừa, gói gọn trong ngày rằm Nguyên tiêu. Từ 6 giờ sáng, tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3) sẽ bắt đầu dựng 25 gian lều thơ để trưng bày và hoạt động thơ các câu lạc bộ quận huyện, Sân thơ trẻ và CLB Văn học thuộc Hội Nhà văn TP HCM.
Buổi chiều, từ 14h30, chương trình sân khấu hoá biểu diễn tiết mục thơ của các CLB. Ngoài ra, tại Sân thơ trẻ còn diễn ra toạ đàm về thơ trong nhà trường giữa các nhà thơ trẻ với sinh viên các trường đại học.
Đêm thơ chính thức với chủ đề “Xuân nghĩa tình” khai mạc vào lúc 19h tại Hội trường tầng 2 trụ sở Liên hiệp. Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nhận lời mời đến khởi trống cho chương trình thơ. Đêm thơ là sự hội tụ các nhà thơ nhiều thế hệ. Các nhà thơ chủ yếu phối hợp nhóm trình diễn thơ theo chủ đề. Đây cũng là nét mới.
Bên cạnh đó còn có kịch thơ “Vòng tay mùa xuân” do Ban Nhà văn trẻ thực hiện. Ngoài ra, còn có sự tham gia của NSƯT Thế Hiển, 2 ca sĩ Huỳnh Lợi, Cao Huy Thế hát nhạc phổ thơ cùng tiếng sáo quốc tế của NSƯT Đức Đình, đàn bầu Chí Bình…
Theo anh, Ngày Thơ có ý nghĩa ra sao trong lòng người yêu thơ tại TP HCM?
- Đối với TP HCM, lễ hội thơ là một trong những dịp tốt để các nhà thơ hội ngộ với nhau và gặp gỡ với người yêu thơ. Từ trước mỗi Tết Nguyên đán, hầu hết các câu lạc bộ thơ quận huyện trong thành phố đều quan tâm, theo dõi mọi tin tức hoạt động về ngày thơ. Bên cạnh các lễ hội văn hoá khác thì Ngày Thơ VN đã trở thành một niềm vui khích lệ tinh thần cho những người yêu thi ca, nhất là ở một địa phương có đông đảo người yêu thơ, làm thơ như TP HCM.
Ngày Thơ còn là sự kiện văn hoá lớn đầu năm của TP HCM và mở đầu cho hoạt động của Hội Nhà văn TP HCM, hướng tới tiêu chí mà thành phố đề ra là văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Những gương mặt thơ mới của thành phố mà Hội Nhà văn TP HCM muốn giới thiệu?
- Có những nhà thơ nổi tiếng nhưng lâu nay dường như ẩn dật và mới xuất hiện trở lại, tiêu biểu như Hoài Vũ, tác giả nhiều bài thơ phổ nhạc quen thuộc mấy mươi năm qua: “Vàm Cỏ Đông”, “Đi trong hương tràm”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”… Nhà thơ Trúc Phương từ lâu cũng im tiếng nhưng cuối năm 2016 vừa qua trình làng tập thơ dày cả 1.000 trang “Mẹ, đất nước và lưu dân”. Đặc biệt, những gương mặt thơ mới như Nhật Quỳnh, Trần Lê Sơn Ý, Hồ Thị Ngọc Hoài, Tiểu Quyên, Chung Bảo Ngân… tôi tin nhất định sẽ mang lại không khí mới cho chương trình thơ “Xuân nghĩa tình”. Trong đó, Chung Bảo Ngân là gương mặt thơ sinh viên đang mang đến tín hiệu rất mới với nhiều kỳ vọng!
Còn sự phát triển của thơ nói chung tại thành phố trong năm qua thì thế nào thưa anh?
- Năm 2016 vừa qua tiếp tục có nhiều tập thơ ra mắt bạn đọc, được đón nhận dưới nhiều hình thức khác nhau. Giữa lúc có nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác áp đảo thì thơ vẫn có đời sống riêng của mình. Trong đó, tôi rất ấn tượng với tập thơ “Bao giờ đến được cánh đồng” của nhà thơ trẻ quá cố Hoa Níp đã được trao tặng thưởng của Hội Nhà văn TP HCM 2016. Tập thơ thể hiện trách nhiệm công dân của người trẻ cầm bút, có văn hoá, với một ngôn ngữ thơ và không gian thơ độc đáo, gần gũi với tiếng nói đời sống. Tiếc là Hoa Níp tài năng đã bất ngờ ra đi quá sớm.
Trân trọng cảm ơn anh!