Ngày 9/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm bước sang ngày thứ 2 tiếp tục với phần xét hỏi. Hội đồng xét xử vẫn thực hiện biện pháp cách ly các bị cáo trong khi thẩm vấn. Khai tại tòa, cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng khẳng định: Do tình thế cấp bách, muốn đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nên chỉ định thầu cho PVC.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa.
Thực hiện theo lệnh?
Khi bị thẩm vấn, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn khai: Lúc đó mới chỉ là Phó TGĐ PVN nên mọi việc phải tuân theo mệnh lệnh của Chủ tịch Tập đoàn Đinh La Thăng. Nguyễn Xuân Sơn khẳng định, đối với hợp đồng 33 bị án không được tham dự, theo dõi nên không nắm được. Khi hợp đồng được chuyển từ Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) về PVN, trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Tập đoàn nói Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Cũng theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn thì bị án này không nhận thức được hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện để thực hiện. Bị án chỉ biết Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là công trình lớn, đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chỉ định thầu, sau đó lại có nghị quyết của HĐTV về việc chuyển đổi chủ đầu tư, chỉ đến khi làm việc với các cơ quan tố tụng mới biết việc thực hiện hợp đồng là vi phạm pháp luật. Bị án Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận ký 2 quyết định chuyển tiền, nhưng việc chuyển tiền chỉ từ đơn vị này sang đơn vị khác trong PVN chứ không phải chuyển tiền ra ngoài.
Tuy nhiên, bị án Sơn cũng không quên giải thích rằng, việc chuyển tiền đã được phân công rõ ràng theo quy chế của PVN, do đó bị án mới là người ký quyết định chuyển tiền. Khi BQL dự án có đề xuất về việc tạm ứng cho nhà thầu, ông Đinh La Thăng “ốp” chuyển tiền nên bị án buộc phải thực hiện theo lệnh.
“Hợp đồng chưa đúng quy định của pháp luật, bị cáo không biết nên mới vô tình thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên”- bị án Sơn trần tình.
Đổ lỗi cho cấp trên
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, cựu Phó TGĐ PVN Nguyễn Quốc Khánh khai: Mặc dù vào thời điểm đó, bị cáo đã báo cáo việc hợp đồng 33 chưa được HĐTV PVPower phê duyệt, không có các điều khoản chi tiết thực hiện hợp đồng, không có những điều khoản liên quan tới thanh toán, tạm ứng hợp đồng nên không có cơ sở để thực hiện, cũng như không có cơ sở để tạm ứng tiền. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch HĐTV PVN vẫn chủ trì cuộc họp yêu cầu rà soát và ký hợp đồng này.
Tương đồng với lời khai của cựu Phó TGĐ PVN Nguyễn Quốc Khánh, bị cáo Vũ Hồng Chương (cựu Trưởng BQL Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2) khẳng định: Ở thời điểm chuyển giao chủ đầu tư, bị cáo đã biết hợp đồng có vấn đề lớn. Để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, bị cáo đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng 33, đề nghị Tập đoàn xem xét có ý kiến nhưng không ai trả lời.
“Sau khi chuyển tiền đợt đầu tiên, PVN có 1 công văn hỏa tốc do ông Nguyễn Xuân Sơn ký gửi tới BQL dự án yêu cầu chuyển tiền cho PVC ngay trong ngày. Trước đó, ông Thăng cũng đã nói với tôi rằng, tuần sau các ông phải làm thế nào để chuyển tiền cho PVC”- bị cáo Chương khai.
HĐXX cho đối chất, trước lời khai của Vũ Hồng Chương, bị án Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục đổ ngược lỗi lên cấp trên: “Việc ký công văn hỏa tốc này được thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn, đó là phải thực hiện tạm ứng ngay. Vì vậy bị cáo mới cấp tiền cho BQL dự án và yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày để khỏi lệch nhau về tỉ giá...”. Còn bị cáo Đinh La Thăng thì im lặng trước lời khai của Vũ Hồng Chương.
Chỉ định thầu cho nhanh tiến độ
Trong phần thẩm vấn cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng, HĐXX đặt câu hỏi: Vì sao bị cáo chỉ định Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu, trong khi đơn vị này không đủ năng lực thực hiện? Trước câu hỏi của HĐXX, ông Đinh La Thăng bình tĩnh trả lời: HĐTV làm việc cần phải có các ban, ngành giúp việc. Các ban, ngành đều báo cáo PVC có đủ năng lực, căn cứ báo cáo của TGĐ nên cựu Chủ tịch HĐTV PVN mới quyết định giao cho PVC làm tổng thầu.
“Việc giao tổng thầu cho PVC là căn cứ vào năng lực cũng như tình hình thực tế của đơn vị này, năm 2010 PVC lãi 1.000 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 cũng báo cáo có lãi, hơn nữa PVN cũng vừa bán cổ phần của PVC, thu về hơn 2.600 tỷ đồng. Đối với một doanh nghiệp nếu có thời điểm nhất định khó khăn về dòng tiền là bình thường”- cựu Chủ tịch HĐTV PVN nhấn mạnh.
Ông Đinh La Thăng khẳng định, việc chỉ định PVC là tổng thầu xuất phát từ chủ trương xây dựng PVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, đạt doanh thu cao. Trong đó, PVC được cơ cấu xây dựng trở thành đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của PVN. Từ đó, bị cáo chỉ đạo cho PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cũng theo lời khai của bị cáo này, đây là Dự án được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải khởi công sớm, thực hiện cấp bách. Trong bối cảnh đó, nếu triển khai phương án liên doanh tổng thầu sẽ mất rất nhiều thời gian, nếu thực hiện phương án tổng thầu là nhà thầu trong nước thì sẽ triển khai sớm được. Vì vậy, bị cáo đồng ý cho PVC là tổng thầu thay phương án tổng thầu liên doanh như phương án ban đầu.
“Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, có quyết định của Chính phủ và được triển khai từ năm 2009 chứ không phải tới tháng 6/2011 mới triển khai”- bị cáo Thăng khẳng định.
Tuy nhiên, khai tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai thừa nhận vào thời điểm đó PVC đang gặp khó khăn về tài chính nhưng vẫn được PVN giao cho làm tổng thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Bản thân bị cáo cũng biết năng lực PVC chưa thể làm được Dự án này, bởi thời điểm nhận thầu, năng lực tài chính của PVC có vấn đề do việc đầu tư vượt vốn điều lệ. Song, PVC vẫn nhận Dự án để có thể giải quyết được công ăn việc làm, có lợi nhuận.
“Càng khó khăn mà tìm được việc làm là mừng, dù có thể PVC chưa đủ năng lực. Các công trình PVN giao cho các đơn vị đều có tiền, được thanh toán rất tốt, thậm chí được thanh toán trước, nên việc nhận thêm dự án là thuận lợi chứ không khó khăn”- cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh nói.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc khởi công Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong khi thiếu các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật, cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng lý giải: Mỗi năm thực hiện hàng chục dự án, vì vậy để đảm bảo tiến độ, các đơn vị phải thực hiện đồng thời các công việc, không thể chờ xong việc này mới làm việc khác. Do vậy, trong các cuộc họp ngày 31/3 và 1/6/2011 bị cáo đã chỉ đạo tập trung đốc thúc tiến độ Dự án. Riêng cuộc họp ngày 1/6, căn cứ vào báo cáo của các đơn vị tỉnh Thái Bình, bị cáo đã ra kết luận, đồng ý tạm ứng tiền cho tổng thầu PVC. Tuy nhiên yêu cầu PVC phải sử dụng tiền tạm ứng cho Dự án, không được sử dụng vào việc khác.