Giữa tiết trời ngày xuân, trên võ đài các võ sinh ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) say mê biểu diễn những tinh hoa võ thuật với những bài quyền uyển chuyển, nhẹ nhàng. Hay những trận đấu đối kháng cân sức cân tài đã tạo nên không khí rộn ràng, tinh thần thượng võ của Ngày hội Võ thuật cổ truyền bên bờ Kiến Giang.
Những gương mặt trẻ võ thuật cổ truyền huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Giữ gìn nét văn hóa ngày xuân
Biểu diễn võ thuật cổ truyền ở Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong dịp đầu xuân. Đây là hoạt động không chỉ nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, mà còn lưu giữ, trao truyền nét văn hóa của cha ông để lại. Ngày xuân về Lệ Thủy, cùng thưởng thức những điệu hò khoan mượt mà, sâu lắng, du khách phương xa rất thích thú khi được chiêm ngưỡng những thế võ cổ truyền của các môn phái ở trên quê hương “nhì hai huyện”.
Hiện ở Lệ Thủy có các môn phái võ thuật cổ truyền đang truyền dạy như: Thiếu Sơn Phật Gia (do Lương y, võ sư cao cấp Hoàng Đại Khoa làm Chưởng môn); Thiếu Lâm Mai Hãn (do võ sư cao cấp Nguyễn Xuân Du làm Chủ nhiệm); Thiếu Lâm Đại Tâm (do HLV Dương Công Hùng làm Chủ nhiệm); Võ Kinh Vạn An (do chuẩn võ sư Trần Ngọc Vũ làm Chủ nhiệm). Cùng với đó là các võ đường hoạt động lâu năm, có nhiều đóng góp cho phong trào võ thuật cổ truyền của địa phương như: Võ đường Hạ Sơn, Sơn Nghĩa, Hoàng Minh, Trung Sơn Quán Võ, Thiên Sơn (môn phái Thiếu Sơn Phật Gia).
Một ngày đầu xuân, chúng tôi tìm gặp võ sư cao cấp Nguyễn Xuân Du và chuẩn võ sư Trần Ngọc Vũ ngay bên dòng Kiến Giang. Nói về mục đích tổ chức Ngày hội biểu diễn võ thuật cổ truyền đầu xuân ở Lệ Thủy, các võ sư chia sẻ, từ mùa xuân năm 2015 đến nay nhằm cổ vũ phong trào rèn luyện sức khỏe và tạo sân chơi cho các võ sinh. Hằng năm cứ vào ngày mồng 6 Tết Nguyên đán, luân phiên nhau, 3 Câu lạc bộ Võ Kinh Vạn An (thầy Vũ) ; Võ đường Hạ Sơn (thầy Hiệp); Võ đường Thiếu Lâm Mai Hãn (thầy Du) đã tự nguyện bỏ kinh phí để tổ chức biểu diễn võ thuật cổ truyền của các môn phái. Địa điểm diễn ra Ngày hội Võ thuật cổ truyền hằng năm theo hình thức luân phiên.
Ngày hội có hơn 150 võ sinh cùng với võ sư ở các môn phái cùng nhau biểu diễn những bài quyền đặc sắc và những trận đấu đối kháng chất lượng. Đây là hoạt động đặc trưng nhằm nâng cao tính cọ xát của người học võ; đồng thời để giao lưu, học hỏi và rèn luyện tinh thần thượng võ trong các võ sinh.
Nông cụ cũng thành binh khí
Võ sư cao cấp Nguyễn Xuân Du cho hay, diễn ra Ngày hội Võ thuật cổ truyền đầu xuân, người dân ở các làng xã quanh vùng đến xem rất đông. Ai cũng hào hứng, ồ lên thích thú khi được xem các thế võ dân gian được hình thành từ cuộc sống hằng ngày. Đơn cử như người nông dân Lệ Thủy bao đời nay gắn chặt với cái cuốc, cái cào hay chiếc khăn, cái búa… để lao động, sản xuất. Thế nhưng, vào những lúc cần để tự vệ thì nó trở thành binh khí lợi hại để đối kháng. Nhìn chung, từ các thế võ dân gian này đã khuyến khích học sinh, thanh thiếu niên ngày nay yêu thích võ để qua đó nhằm lưu giữ và phát huy những nét tinh hoa của võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Như thường lệ, buổi chiều sau khi kết thúc Ngày hội biểu diễn võ thuật cổ truyền, thầy trò lại quây quần để hàn huyên chuyện võ thuật. Theo võ sư Nguyễn Xuân Du, học võ không phải là đánh đấm mà phải gắn liền với chữ “đạo” đó chính là đạo lý. Khi một môn sinh theo vào học ở một môn phái thì rất chú trọng đến đạo lý, rèn luyện ý chí, tinh thần chứ không phải là đánh đấm tay chân. Vì vậy, học võ không chỉ giúp chúng ta rèn luyện về sức khỏe mà còn giúp rèn luyện về tinh thần, về ý chí và về đạo đức của mỗi người.
Chuẩn võ sư Trần Ngọc Vũ cho biết, nhằm khuyến khích các bạn trẻ thanh thiếu niên tham gia tập luyện võ thuật cổ truyền để lưu giữ nét văn hóa truyền thống, không chỉ vào dịp đầu xuân năm mới mà ở các chương trình, lễ hội khác, chúng tôi đều sẵn sàng tham gia các hoạt động cộng đồng để quảng bá, giới thiệu tới đông đảo mọi người. Được biết, trong những năm qua, nhân dịp đón chào năm mới, các câu lạc bộ võ thuật cổ truyền ở Lệ Thủy đã biểu diễn chào Xuân ở Trung tâm Văn hóa huyện và Lễ hội chùa Hoằng Phúc.
Lan tỏa phong trào tập võ cổ truyền
Cùng với niềm đam mê võ thuật và nhân rộng phong trào tập luyện võ thuật cổ truyền, thời gian qua, các võ sư ở trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã tích cực giảng dạy, trao truyền võ thuật cho lớp trẻ. Trong đó có sự đóng góp tích cực của võ sư Nguyễn Xuân Du (ở xã Cam Thủy) Võ sư Đặng Hữu Hiệp (Lộc Thủy), Chuẩn võ sư Trần Ngọc Vũ (Hồng Thủy), những người đã đào tạo ra hàng chục huấn luyện viên, vận động viên võ thuật xuất sắc của huyện nhà. Điều càng ghi nhận với võ sư Nguyễn Xuân Du. Ngoài số tiền thu phí may võ phục đai đẳng ra, trong suốt thời gian theo học, từ tháng 8/1997 đến nay, ông không bao giờ thu thêm một đồng học phí nào của võ sinh. Đến nay, lớp võ của thầy Du có hơn 200 võ sinh thường xuyên theo học.
Từ những người thầy tâm huyết với võ thuật cổ truyền nên đến nay phong trào tập luyện ở Lệ Thủy có bước phát triển đáng ghi nhận. Từ năm 2015 đến nay, huyện Lệ Thủy đã tổ chức thành công 2 lần Liên hoan võ thuật cổ truyền huyện và 2 lần tổ chức giải võ cổ truyền toàn huyện. Mỗi lần giải diễn ra thu hút gần 1.000 võ sinh đến từ 9 võ đường, võ phái tham gia biểu diễn và thi đấu. Còn nhớ, tại giải Võ cổ truyền Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII năm 2018, Đoàn võ thuật cổ truyền huyện Lệ Thủy đã giành giải nhất toàn đoàn với 7HCV, 5HCB và 1HCĐ.
Với niềm đam mê võ thuật cổ truyền, 3 câu lạc bộ Võ thuật Thiếu Lâm Mai Hãn, Võ đường Hạ Sơn, Võ Kinh Vạn An đã góp phần gìn giữ và trao truyền nét văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ của quê hương cho thế hệ trẻ.